Với sáng tạo độc đáo: tạo ra cây ngũ quả (loại cây có cả quả bưởi, cam, phật thủ, quýt, quất) sinh trưởng trên cùng một gốc,
lão nông Lê Đức Giáp (thôn Bãi, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội) được coi như người “khai sinh” ra loại cây độc đáo này. Mất 3 năm thất bại liên tiếp, ông rút ra kinh nghiệm: “Giống cam Canh, chanh và bưởi Diễn ra hoa vào tháng Giêng âm lịch, tháng Chạp quả mới chín; nhưng giống chanh đào, quất hay phật thủ ra hoa sớm hơn, đến tháng 9 âm lịch quả đã chín rồi, không thể đợi thêm đến Tết nguyên đán được. Sau những thất bại đó, tôi đã lựa theo đặc tính của mỗi cây để chọn thời điểm ghép cho phù hợp”.
Ông Giáp "bén duyên" với nghề trồng cây từ năm 2002, bắt đầu với cây cam Canh lấy quả. Đến năm 2005, ông phát triển thêm mô hình cây cam cảnh để phục vụ người dân chơi Tết nguyên đán, chủ yếu là những cây thấp, dáng tròn nhưng quả xum xuê, mọng và da đỏ. Bám chặt vào mảnh đất quê hương với nghề trồng cam, gia đình ông khấm khá lên. Từ 1 ha đất của gia đình để trồng cam, ông còn mạnh dạn thuê thêm 5,5 ha đất trong làng và thuê một trang trại ở Hòa Bình để trồng cam Canh. Đến Tết 2009, ông Lê Đức Giáp vui mừng nhận thấy ý tưởng táo bạo của mình đã trở thành hiện thực. Năm đó, ông làm hơn chục gốc cây ngũ quả, nhưng cây lạ quá thành thử… chẳng ai mua. Ông bèn đem trưng bày ở hội làng, đem biếu hoặc bán rẻ cho bạn bè thân thiết để chơi Tết cho vui. Đến năm 2010, cây ngũ quả của ông mới được “phát hiện” và vài năm sau đã trở thành một trong những cây cảnh đắt giá nhất trong dịp Tết nguyên đán.
Khi việc kinh doanh cây cam Canh đã “hòm hòm”, năm 2006, ông chợt nghĩ ra một ý tưởng táo bạo: thử ghép 5 loại quả cùng họ với nhau vào một gốc. Trước đó, ông đã từng ghép cam Canh với bưởi Diễn, quýt đỏ với cam Canh thì đều thành công, nên khi bắt tay vào làm cây ngũ quả, ông rất tự tin. Dầu vậy, mọi việc không suôn sẻ như ông trù tính. Chọn cây “mẹ” là cây bưởi, ông ghép mắt của các giống cam, quýt, quất và quả phật thủ non vào cây và chọn thời điểm vào tháng Giêng – những ngày đầu xuân, mong rằng những cành ghép sẽ có sức sống mãnh liệt. Khi những mắt ghép phát triển tốt, ra hoa sai, đậu quả trên gốc bưởi, ông đã toan mừng thành công của mình. Vậy mà, đến cuối năm, chỉ còn 2 hoặc 3 loại quả trụ lại trên cây.
Một nông dân khác, anh Nguyễn Văn Tỉnh (làng Ngọc Trục, xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội) cũng lai ghép thành công cây ngũ quả. Làng Ngọc Trục vốn có truyền thống nông nghiệp, chủ yếu là lúa, hoa màu. Những năm gần đây, làng nổi tiếng với những vườn hoa đào phục vụ Tết Nguyên đán. Anh Tỉnh là một trong số ít người làng trồng cam Canh, bưởi Diễn.
Anh kể, khi làng Ngọc Trục còn thuộc địa phận tỉnh Hà Tây (cũ), anh là Phó Chủ nhiệm Hội sinh vật cảnh Hà Tây. Thời gian này, ngoài trồng cây làm kinh tế, anh cũng mày mò, nghiên cứu ghép thử các loại cây để tạo ra giống mới. “Từ lâu, tôi đã ghép thành công cây cho ra ba loại quả như bưởi Diễn, cam đường, quýt chua, sau đó lại thử ghép bòng không múi với bưởi Diễn và cam đường, đều thành công cả” – anh chia sẻ.
“Tôi nảy ra ý tưởng ghép nhiều hơn 3 loại quả từ năm 2007, và phải mất 4 năm mày mò, nghiên cứu, học hỏi anh em, đọc lại các sách vở dạy chiết, ghép cây cộng với kinh nghiệm bản thân, mất nhiều thời gian và tâm huyết mới làm thành công loại cây này. Tôi đã ghép hỏng cả trăm cây, khi thì quả không phát triển được, lúc thì cây bị kiệt, có khi quả này phát triển tốt, quả khác lại teo, lá úa… đủ đường thất bại. Đến năm 2010, anh Giáp (ông Lê Đức Giáp - PV) đã thành công, còn tôi thì chậm hơn một chút, đến Tết Nhâm Thìn 2012, 5 loại quả trên cây mới chín cùng một lúc” – anh Tỉnh nói thêm.
Anh bảo, cùng làm cây ngũ quả nhưng mỗi người sẽ có một bí quyết khác nhau để ghép và chăm cây cũng như có cáí nhìn thẩm mỹ khác nhau. Thay vì ghép quất giống đồng nghiệp, năm ngoái anh Tỉnh ghép cam Canh, bưởi nhăn, bưởi Diễn, quýt xu xoa, phật thủ với nhau vì các quả này có độ cân bằng, phù hợp với dáng to lớn của cây bưởi. Anh cũng ghép quả trực tiếp vào các cành của cây mẹ, thay vì ghép mắt, để linh hoạt, chủ động hơn trong hình dáng tổng thể của cây cũng như có thể “chèn” quả vào giữa thân cây cho lạ mắt.
Anh Tỉnh cho hay, không nhất thiết phải ghép quả ở đầu cành...
... mà có thể ghép thẳng vào thân cây. Đến năm 2013, anh Tỉnh mới chính thức làm cây ngũ quả để kinh doanh, bắt đầu với hơn 20 gốc. Năm nay, anh làm khoảng hơn 40 cây loại đặc biệt này và tất cả đã được “xí” hết từ đầu tháng Chạp.
Năm nay, anh tạo điểm nhấn cho cây ngũ quả của mình bằng những chùm bưởi thơm (giống từ Thái Lan) sai lúc lỉu, những quả phật thủ sinh đôi rất hiếm mà anh phải đặt riêng ở làng Đắc Sở và những quả bưởi “mặt trời” đỏ rực.
Sau ông Lê Đức Giáp và anh Nguyễn Văn Tỉnh, anh Nguyễn Khắc Sơn (Tạ Quang Bửu, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) là người thứ ba nắm giữ bí quyết đặc biệt lai tạo cây ngũ quả. Điều đặc biệt là, anh hoàn toàn không phải là nông dân, không sống bằng ruộng vườn mà là quản lý của Khu Công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, Vĩnh Phúc). Anh chia sẻ, năm nay là năm đầu tiên anh trồng thử nghiệm cây ngũ quả, và may mắn đã mỉm cười ngay.
Anh Sơn tâm sự, vốn người gốc làng hoa Tây Tựu, nhưng sống ở nội thành từ nhỏ, anh không có nhiều điều kiện tiếp xúc với cây cối, trồng trọt. Dầu vậy, cái ham mê cây cối như đã ngấm vào anh từ bé, nên đi đến đâu nhìn thấy cây gì lạ, quả gì hay, anh đều tìm hiểu và thấy thích thú. Khoảng 2 – 3 năm trước, có duyên quen biết với ông Lê Đức Giáp và anh Nguyễn Văn Tỉnh, anh chợt nảy ra ý định tận dụng khu đất trống trong khu xử lý nước thải của khu công nghiệp Quang Minh (thuộc địa phận anh quản lý) để trồng cây chanh đào và cam Canh.
Được hai người bạn truyền đạt lại kinh nghiệm, cộng thêm quan sát và kiến thức từ sách vở, anh Sơn nhanh chóng trồng thành công hai giống cây này, không chỉ ra quả, chúng còn ra quả đẹp, mọng nước và có chất lượng tốt, thậm chí còn có thể ra trái mùa. Anh tự hào nói: “Khi lên thăm vườn cây, hai anh ấy (ông Giáp và anh Tỉnh - PV) còn ngạc nhiên hỏi tôi, ở khu công nghiệp không có đất thịt, phía dưới toàn bê tông, làm sao cây phát triển tốt được? Có lẽ là do tôi mát tay!
“Thừa thắng xông lên”, anh Sơn lại bắt tay vào làm cây ngũ quả. Anh cho hay: “Nguyên tắc ghép, chọn quả, chọn cành, chăm sóc cây mẹ … về cơ bản cũng giống như ghép cam Canh với bưởi Diễn, không quá phức tạp, nhưng yếu tố quan trọng để quyết định thành hay bại là ở thời điểm và cách thức ghép (ghép quả, ghép mắt hay ghép cành). Từ những thất bại của người đi trước, khi ghép cây này, tôi không chỉ học hỏi kinh nghiệm mà còn phải nghiên cứu thêm sách vở, quan sát thời tiết, tình trạng cây, tình trạng quả ghép, mắt ghép, thời gian nở hoa… cũng như một số bí quyết riêng để cây ghép được hoàn hảo nhất”.
Anh chia sẻ, cây ngũ quả, nhất là quả phật thủ cần đủ nước để quả căng mọng, đẹp mắt.
Anh nói thêm: “Ngoài ra, yếu tố thẩm mỹ của cây cũng rất quan trọng. Phải tính toán hướng đặt cây, hướng nhìn để tạo dáng cho phù hợp; phải ghép khéo để mối ghép không bị lộ, trơ cành; thậm chí phải tính toán cả những chồi non có thể mọc để che đi vết ghép nữa”.