Dân Việt

Cải hóa Dũng “Hồng Bàng” - Cuộc "ép duyên" có một không hai

06/03/2011 13:51 GMT+7
(Dân Việt) - Vất vả, kiên nhẫn gieo lại mầm thiện cho đứa con nuôi một thời bất trị của mình, ông Kiên tiếp tục làm một việc khó tin: Gả cô con gái rượu của mình cho Dũng.

Ông Kiên kể, khi mới về ở với ông, Dũng gày đét, mụn nhọt mọc tứ tung. Ông tự tay mình nặn những ung nhọt ấy, rồi đun nước tắm rửa cho con.

img
Mái ấm gia đình giúp Dũng (phải) trụ vững trước vòng xoáy cuộc đời.

Sự “điên rồ” của tình thương

Vào cuộc cai nghiện, cứ khi Dũng lên cơn thì ông lao vào ghì chặt con xuống giường. Tuy hai bố con đã thoả thuận trước với nhau, nhưng lần nào cũng thế, khi lên cơn vật thuốc, Dũng chẳng khác gì một con thú hung hãn, đánh ông nhừ đòn. Đau đớn nhưng vì con, ông cắn răng chịu đựng. Thế rồi, những ngày kinh hoàng ấy cũng nặng nề qua. Dũng đã cắt được cơn nghiện. Cái ngày như mơ ấy, đến giờ ông và Dũng vẫn chẳng thể nào quên.

Cắt cơn cho Dũng xong, ngoài việc động viên, an ủi, ông còn giám sát Dũng cả ngày. Cứ Dũng đi đâu thì ông theo đấy, không rời nửa bước.

Nghĩ mình tuổi cao, chẳng thể mãi mãi ở bên Dũng được, giống như bao đứa con máu mủ của mình, ông nghĩ tới việc hỏi vợ cho Dũng. Khi ấy ông nghĩ, chỉ có mái ấm gia đình mới có thể giúp Dũng hoàn toàn thoát khỏi vòng xoáy nghiệt ngã của cuộc đời.  Thế nhưng, khi vào việc ông mới thấy chẳng đơn giản chút nào.

Người trong làng, ngoài xã ai cũng mến ông, nhưng khi ông bày tỏ ý định mai mối của mình thì họ… đuổi thẳng. Ngẫm cũng phải, ai cũng sợ người nghiện hơn sợ hủi, bởi thế họ có thể để con mình ở vậy còn hơn gả cho một kẻ có quá khứ đầy những khúc khuỷu, gập ghềnh.

Đúng lúc bí quẫn, không tìm đâu ra… vợ cho con nuôi mình thì con gái ông từ miền Nam về. Và, khi vừa trông thấy cô con gái rượu của mình, ông bỗng nảy ra một ý tưởng táo bạo. Cũng từ ý tưởng ấy, một tình yêu lạ lùng đã kết trái đơm hoa.

Tình chỉ đẹp khi tình… có hậu

Hằng là con gái út của ông. Cô chăm chỉ, vóc dáng ưa nhìn, nên được nhiều chàng trai để ý. Bởi muốn kiếm chút vốn liếng trước khi về làm dâu nhà người nên cô vào miền Nam làm việc. Thỉnh thoảng cô mới về thăm nhà khi có công to việc lớn. Lần ấy, Hằng về dự đám cưới người bạn thân.

Ông Kiên kể, bữa cơm sum họp gia đình hôm đó, nhìn cô con gái mình, ông loé lên ý nghĩ, tại sao không mai mối Hằng cho Dũng. Nếu làm được điều đó thì quả là mừng bởi con gái ông lại làm dâu ở chính nhà ông.

Chọn một buổi cả nhà có mặt đông đủ, ông mới giãi bày mong muốn đó của mình. Thế nhưng, khi đó, chẳng ai tin Dũng có thể hoàn lương ngoài ông nên ý định đó đã bị mọi người phản đối kịch liệt. Phản đối gay gắt nhất lại chính là Hằng. Cô bảo, cô không gửi gắm đời mình cho một người có quá khứ bất hảo như vậy.

Trong ngôi nhà ấm áp của Dũng, ông Kiên thật thà kể, ngày ông quyết định kết tóc se duyên cho Hằng với Dũng, ông biết người nghiện ma tuý nặng có thể mang trong mình vô vàn những bệnh xã hội nguy hiểm. Bởi thương Dũng, ông đã chấp nhận tất cả.

Tuy nhiên, sau đám cưới vui mừng ấy, ông đã khéo léo vận động Dũng đi xét nghiệm. Và, mừng vui thay, con nuôi - con rể ông không hề mang trong mình những mầm bệnh chết người.

Thỉnh thoảng thấy Dũng ở trần, nhìn những hình xăm vằn vện trên người anh ta, cô chết khiếp. Biết chẳng thể ép duyên con, ông đành “thu quân”, chuyển sang “chiến tranh du kích”. Thỉnh thoảng thủ thỉ một vài câu với hy vọng mưa dầm thấm lâu và tạo nhiều cơ hội để Hằng và Dũng gần nhau. Và rồi chiến thuật ấy của ông đã thắng.

Lửa gần rơm, Hằng cũng thấy Dũng là người dễ mến chứ không đáng sợ như cái vẻ ngoài gồ ghề, dữ tợn. Hơn nữa, hoàn cảnh của Dũng khiến cô động lòng trắc ẩn. Vậy là đến ngày chuẩn bị vào Nam, cô đã vô cùng phân vân. Nếu quyết đi chắc chắn Dũng sẽ nghĩ mình bị bỏ rơi, hắt hủi. Nếu vậy thì chẳng khác nào đẩy Dũng vào đường cùng, chẳng khác nào hắt công lao của bố mình xuống sông xuống bể. Suy đi tính lại, Hằng quyết định… ở nhà!

Một ngày lành năm 2005, ông tổ chức cho đôi trẻ. Đám cưới đơn sơ nhưng hàng xóm láng giềng ai cũng đến chúc mừng. Một đám cưới không phải đưa dâu, một đám cưới hiếm có trên đời.

Tổ chức cho hai con xong, ông cắt đất rồi dựng nhà cho Dũng. Dắt nhau về nhà mới, Hằng cũng bắt tay ngay vào việc… dạy chồng. Dũng sinh ra và lớn lên ở thành phố, khi trưởng thành thì lang bạt ngoài xã hội nên vô cùng xa lạ với việc nhà nông.

Những hôm đầu theo vợ ra đồng, Dũng chẳng dám lội xuống ruộng vì sợ… bẩn. Thế nhưng, được sự “huấn luyện” của vợ, chỉ mấy tháng sau, Dũng đã “lột xác” thành một nông dân chính hiệu. Việc cày bừa, cấy hái Dũng thuần thạo chẳng kém bất cứ một ai trong làng.

Bây giờ vợ chồng Dũng- Hằng đã có với nhau một mặt con. Cháu khôi ngô, trắng trẻo, hiếu động. Dũng bảo, không cái sướng nào bằng được chơi với con, được ôm con, được thấy con khôn lớn từng ngày. Hạnh phúc bình dị, giản đơn vậy nhưng trước đây Dũng nghĩ đời mình không bao giờ có được. “Cảm ơn cuộc đời vì cuộc đời còn có những bàn tay”. Khi từ biệt Dũng đã nói với chúng tôi như vậy.