Hiện khoa Nhi còn 1 bệnh nhân diễn biến bệnh rất nặng. Cháu bé là B.K.T (10 tháng tuổi, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội). Người nhà cho biết, cháu bị ho sốt, nổi ban mới có 2 ngày thì nhập viện. Tuy nhiên, chụp phổi cho biết tổn thương phổi cực kỳ nặng, suy hô hấp nặng, phải thở máy, điều trị tích cực. Nhưng sau 1 ngày điều trị vẫn không thuyên giảm, vẫn suy hô hấp nhanh. “Các bác sĩ đã phải liên tục chụp phổi, siêu âm tim để kiểm tra chức năng hô hấp và co bóp của tim để có phương án điều trị kịp thời. Sau 5 ngày thở máy, hiện cháu bé đã rút máy thở nhưng vẫn còn tiếng rít thanh quản, cần tiếp tục theo dõi” – TS Dũng cho biết.
Điều trị sởi ở khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai).
Theo TS Dũng, các ca biến chứng nặng do sởi hầu hết đều dưới 12 tháng tuổi. Các ca 3 tháng, 7 tháng tuổi khá nhiều, thậm chí cả trẻ mới 24 ngày tuổi cũng bị mắc sởi. Các bé đều không tiêm phòng sởi hoặc không kịp tiêm phòng sởi. “Trước kia, các biến chứng chỉ xảy ra sau khi ban bay, sức đề kháng kém thì trẻ mới bị sốt do vi trùng, vi khuẩn tấn công. Còn hiện nay, virus sởi tấn công trực tiếp gây biến chứng ngay khi bệnh nhân bắt đầu mọc ban dẫn tới tình trạng suy hô hấp nặng, viêm phổi nặng, tiến triển nhanh, khiến cho việc cấp cứu khó khăn”- TS Dũng nhận định.
Trong khi chuyên gia y tế dự phòng cảnh báo nên cách ly trẻ bị mắc sởi thì TS Dũng cho biết, virus sởi có thể bám vào quần áo, chân tay người tiếp xúc, sau đó thâm nhập vào đường hô hấp của những người chưa miễn dịch. Vì thế, việc cách ly cũng không hạn chế được sự lây lan của bệnh một cách tuyệt đối. TS Dũng cảnh báo, khi trẻ mắc sởi thì cha mẹ đưa trẻ đi khám để các bác sĩ có thể chẩn đoán trường hợp nào có nguy cơ biến chứng phổi thì tư vấn cẩn thận. Khi trẻ có biểu hiện thở nhanh, sốt rất cao, mệt mỏi, khó thở thì phải nhập viện ngay.