Dân Việt

Khi doanh nghiệp về làm rau sạch

06/03/2011 06:46 GMT+7
(Dân Việt) - Là một trong 11 xã điểm về làm NTM của cả nước, xã Thụỵ Hương, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) không lựa chọn việc tập trung đầu tư hoàn toàn vào cơ sở hạ tầng mà lại ưu tiên cho sản xuất trước, nhất là sản xuất rau sạch theo hướng hiện đại…

Thụy Hương là xã gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp do đồng đất chủ yếu là đất bãi, lại khó khăn về thuỷ lợi, nên mỗi năm bà con thường chỉ làm được một vụ ngô, một vụ lạc với hiệu quả còn thấp hơn cả trồng lúa.

Khi triển khai xây dựng thí điểm mô hình NTM ở Thụy Hương, TP. Hà Nội đã quyết định triển khai Dự án "Phát triển và tiêu thụ rau sạch" nhằm làm thay đổi đồng đất nơi đây. Ngay sau đó, TP. Hà Nội đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư cho dự án này.

Nắm thấy cơ hội có thể làm giàu từ nông nghiệp, Công ty cổ phần Đầu tư Tonkin đã tham gia dự án này và lấy tên là "Dự án rau sạch Lộc Xuân", triển khai từ tháng 10.2010.

Ông Hồ Quốc Việt- Giám đốc dự án cho biết: "Theo quy hoạch, tổng diện tích của dự án sẽ là 79,5ha, nhưng trước mắt chúng tôi mới làm thử nghiệm trên diện tích 10ha với rất nhiều loại rau khác nhau như cải bắp, xà lách, cà tím, khoai tây, cà chua, các loại cây gia vị…".

Theo ông Việt, sở dĩ doanh nghiệp ông đầu tư vào nông nghiệp vì một mặt TP.Hà Nội có nhiều chính sách ưu đãi, hơn nữa rau sạch là sản phẩm rất cần thiết cho người dân, nên trong tương lai khi gây dựng được thương hiệu, hiệu quả từ việc đầu tư vào lĩnh vực này là rất lớn.

Phương thức mà Công ty Tonkin triển khai ở đây là cung ứng toàn bộ giống, vốn, kỹ thuật, phân bón và đảm bảo bao tiêu sản phẩm đầu ra, còn người dân được góp đất để làm. Bà Trịnh Thị Dĩnh ở thôn Chúc Đồng 2 thấy cách làm hay, nên vụ vừa rồi cũng đã góp hơn 1 sào vào để trồng cải bắp cho công ty.

Bà Dĩnh cho biết: "Trước đây, ruộng nhà tôi chỉ toàn trồng ngô và lạc, bán chẳng được bao nhiêu tiền, kể từ khi góp đất vào công ty, mỗi tháng ngoài được trả 80.000 đồng tiền đất, thì cả vụ (3 tháng), tôi cũng được trả thêm 24 công nữa (mỗi công 70.000 đồng), thu nhập gấp 2-3 lần so với trước đây".

Ông Việt cho biết: "Hiện công ty đang triển khai các hạng mục cấp nước để mở rộng ra toàn bộ diện tích quy hoạch. Ban đầu, công ty đang chịu lỗ rất lớn, bởi riêng một nhà máy sơ chế đã phải đầu tư 20 tỷ đồng, song công ty chúng tôi vẫn quyết định cấp vốn cho dự án, bởi trước mắt, đầu ra cho sản phẩm rau sạch khá khả quan, dù mới khởi động, nhưng mỗi ngày chúng tôi cũng tiêu thụ được 2-5 tấn/ngày".