Ngày 4.3 Hội nghị hướng dẫn, giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIII của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thống nhất việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội theo quy trình hiệp thương chậm nhất là ngày 18.3 phải hoàn thành.
Giới thiệu người ứng cử trước ngày 18.3
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Vũ Trọng Kim - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam nêu rõ: “Sau lần hiệp thương thứ nhất, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến chính thức về số lượng, cơ cấu, thành phần, về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội.
Các đại biểu Quốc hội khoá XII bỏ phiếu bầu các chức danh lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ (ngày 24.7.2007). |
Vì vậy đề nghị các đại biểu của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở T.Ư sau hội nghị lần 2 này tiến hành các thủ tục cần thiết theo hướng dẫn để giới thiệu, lựa chọn những đại biểu tiêu biểu của đơn vị mình ra ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIII. Thủ tục giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội theo quy trình hiệp thương được tiến hành từ ngày 4.3 và chậm nhất là 18.3 phải hoàn thành”.
Ông Vũ Trọng Kim
Theo ông Vũ Trọng Kim, việc giới thiệu người đúng tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội là rất quan trọng, bởi tiêu chuẩn ấy sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng Quốc hội khoá XIII. Vì vậy, MTTQ sẽ làm tốt các bước tiếp theo để lựa chọn, giới thiệu người ra ứng cử đầy đủ theo pháp luật, đảm bảo yêu cầu của cuộc bầu của và phát huy hơn nữa tính dân chủ của nhân dân.
Về việc kê khai tài sản của các ứng cử viên, và xác minh bản kê khai khi có khiếu nại, ông Lê Tiến Hào - Phó Tổng thanh tra Chính phủ cho biết: Đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì cơ quan xác minh là Ủy ban Kiểm tra T.Ư; cán bộ thuộc diện Thành uỷ, Tỉnh uỷ và Đảng uỷ quản lý thì đơn yêu cầu xác minh được gửi đến Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ, Thành uỷ; đối với cán bộ đang công tác tại các bộ, ngành T.Ư thì đơn yêu cầu xác minh gửi đến Thanh tra Chính phủ; đối với ứng cử viên tự do thì cơ quan xác minh là Thanh tra tỉnh, thành phố… “Việc thực hiện kê khai tài sản vẫn theo quy định cũ, không có gì thay đổi”- ông Lê Tiến Hào nhấn mạnh.
Tỷ lệ 10-15% chỉ mang tính hướng dẫn
Trao đổi với NTNN về tỷ lệ người ngoài Đảng tham gia ứng cử Quốc hội từ 10-15%, ông Vũ Trọng Kim nói: Mức này chỉ mang tính chất hướng dẫn chứ không phải giới hạn. Nếu người ngoài Đảng ứng cử hơn số đó thì vẫn tiến hành ứng cử bình thường, vì đó là quyền của công dân. Còn quyết định cuối cùng chọn ra những ai tham gia vào Quốc hội là quyền của các cử tri, phụ thuộc kết quả của bầu cử.
Ông Vũ Trọng Kim nói thêm, theo quy định, người ứng cử phải được tín nhiệm ở ngay nơi công tác, nơi làm việc, nơi cư trú. Nếu từ cơ sở đã nhất trí, tán thành, khi đưa danh sách lên T.Ư sẽ hiệp thương danh sách sơ bộ để giới thiệu, đảm bảo hồ sơ để giới thiệu (tức là hiệp thương lần thứ 2).
Sau đó, tiếp tục làm công việc còn lại để hiệp thương lần thứ 3, chọn ra danh sách chính thức, chuyển sang Hội đồng bầu cử T.Ư để giới thiệu với nhân dân và cử tri bầu cử. Nếu người ngoài Đảng thực hiện đúng theo những quy trình và quy định của pháp luật thì không có ai có quyền hạn chế.
Thanh Xuân