- Các bác theo dõi tin tức có thấy bây giờ làm các dự án lớn ta thường phải lệ thuộc vào các nhà đầu tư là chính?
- Nói hay nhỉ, không có nhà đầu tư, kể cả các nhà “từ đâu” đến thì “nước lã không vã lên hồ” được đâu. Nước nghèo, chưa đủ tiền mở mang phải kêu gọi, rải thảm đỏ mới rước được họ đến làm hộ mình.
- Hộ là thế nào, có làm có ăn, chả ai giúp ai, có phải như hồi ta là “tiền đồn phía Nam của CNXH” nên Liên Xô, Trung Quốc và các nước phe ta giúp Việt Nam vô tư, không vụ lợi.
- Chính vì không vụ lợi nên tên tắt của Liên bang Xô Viết – CCCP – được vào tiếu lâm thành “các chú cứ phá”.
- Bây giờ không còn chùa chiền, ai có tiền muốn mua tiên cũng sẵn. Hầm Đèo Cả theo tiến độ còn 2 năm nữa mới xong, xe cộ vẫn đi đường đèo cũ, thế mà nhà đầu tư lại thu phí hầm, giá cao 1,5 lần.
- Sao không kiện lên trên?
- Kiện lên Bộ GTVT được giải thích đó là “phí phục vụ dự án”, thu trước thì sau này sẽ bớt thời gian thu hoàn vốn.
- Thế là các bác ấy coi nhà đầu tư như vua, muốn làm gì thì làm. Đúng là không có tiền nó khổ thế, dân bị bắt chẹt mà nhà nước cũng chẳng dám bênh.
- Chuyện cái hầm chưa hay bằng cái cầu vượt biển dài nhất châu Á ở Hải Phòng. Một phân khúc của cầu được nhà thầu nước ngoài làm với giá bảy tám nghìn tỷ. Có một công ty Việt Nam xin thầu làm chỉ hết một nghìn tỷ, nhưng bị gạt ra rìa...
- Nghe kỳ cục quá, cứ tưởng luật đấu thầu ai trả thấp thì trúng?
- Luật thì vẫn có luật, nhưng trường hợp này có lệ.
- Lệ gì?
- Lệ là nước ngoài bỏ vốn cho ta vay ưu đãi thì mình cũng ưu đãi trở lại cho họ trúng thầu. Đơn giản thế thôi. Những công ty nội nho nhỏ thì mèo nhỏ cứ đi mà bắt chuột con. Còn con lợn béo để phần ông kễnh.
Nghe CLB Gốc đa bàn tán, cụ lão nông tham gia:
- Các ông bà làng ta hăng hái bàn chuyện triều đình quá đấy. Lão chỉ mong làm xong mà không nứt trụ như cầu Vĩnh Tuy, còn đắt hay rẻ đâu phải việc nhà nông. Nông sản đang rẻ như bèo sao không bàn?
- Việc gì phải bàn, không bán được cho bò ăn cũng hơn đổ đi.