Dân Việt

Góp tiền làm phim về Tướng Giáp

Mai An 28/03/2014 06:59 GMT+7
Lần đầu tiên, một bộ phim tài liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp không sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện, mà dựa vào sự ủng hộ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức và cá nhân. Đó là bộ phim “Vị tướng của nhân dân”.
Chung một lòng kính yêu

Sáng 27.3, Tạp chí Điện ảnh, Viện Phim Việt Nam và một số cơ quan, đơn vị liên quan đến việc sản xuất bộ phim tài liệu “Vị tướng của nhân dân” đã có cuộc gặp gỡ báo chí tại Hà Nội. Tin vui đầu tiên mà các nhà sản xuất thông báo là cho đến thời điểm này, họ đã nhận được sự ủng hộ, đóng góp của 564 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân với tổng số tiền gần 500 triệu đồng. Hiện nay bộ phim vẫn đang trên trường quay, đã hoàn thành phần ghi hình ở Quảng Bình, Hà Nội, trong các tháng 4, 5, 6 sẽ thực hiện tiếp ở nhiều tỉnh thành trong cả nước để kịp trình chiếu nhân ngày giỗ đầu của Đại tướng vào tháng 10.2014 này.

Người dân đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tháng 10.2013) tại nhà riêng ở Hà Nội.
Người dân đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tháng 10.2013) tại nhà riêng ở Hà Nội.

Nhà báo Bùi Thế Vịnh- Tổng Biên tập Tạp chí Điện ảnh – người chịu trách nhiệm tổ chức sản xuất phim cho biết: “Ý tưởng sản xuất bộ phim hình thành từ cảm xúc của tôi trong lễ truy điệu Đại tướng, lần đầu tiên tôi được chứng kiến lễ quốc tang cảm động và thiêng liêng đến thế, lòng dân hướng về Đại tướng vô cùng lớn lao. Điều đọng lại lớn nhất trong tôi là màu xanh áo lính và màu xanh áo thanh niên tình nguyện, nó thôi thúc tôi phải làm một bộ phim tài liệu để nói lên lòng kính yêu của triệu triệu người dân Việt Nam dành cho Đại tướng”.

Bộ phim được nhà báo Đỗ Quý Doãn- nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm chỉ đạo sản xuất, NSƯT Nguyễn Thị Việt Nga đảm nhiệm vai trò biên kịch và đạo diễn. Điểm đặc biệt của “Vị tướng của nhân dân” là phim không huy động ngân sách nhà nước mà dựa vào sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong xã hội theo phương thức “xã hội hóa”. Hưởng ứng lời kêu gọi của các nhà sản xuất, người dân từ khắp mọi miền trong cả nước đã đóng góp tiền cho dự án làm phim này, thể hiện lòng kính yêu của họ đối với Đại tướng vĩ đại.

Theo danh sách được đăng công khai nhiều kỳ trên báo chí, đơn vị đóng góp nhiều nhất đến thời điểm này là Công ty VNG với số tiền 200 triệu đồng. Và có rất nhiều bạn học sinh, sinh viên đóng góp với số tiền khiêm tốn 10.000 đồng, 20.000 đồng, các cựu chiến binh đóng góp 50.000 đồng... Ban tổ chức cho biết họ trân trọng từng đồng tiền đóng góp của khán giả, ghi nhận và đăng công khai trên báo chí.

Kết nối cảm xúc

Đạo diễn Việt Nga tâm sự: “Khi gặp được tình cảm lớn lao của nhóm sản xuất phim và được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, tôi đã bắt tay ngay vào viết kịch bản cho bộ phim này. Suốt 4 tháng, tôi gần như không bước chân ra khỏi cửa để hoàn thiện kịch bản dài 58 trang cho bộ phim này. Góc nhìn của bộ phim là chân dung Đại tướng được phác họa từ tình cảm của người dân cả nước, họ đủ mọi thành phần, mọi lứa tuổi nhưng cùng có chung một cảm xúc, và công việc của tôi là kết nối cảm xúc của mọi người”. Đạo diễn cũng cho biết, bà không nhận thù lao nhuận bút cho kịch bản bộ phim này, xem như một phần đóng góp của bản thân vào bộ phim đầy ý nghĩa.

Mọi sự đóng góp của các đơn vị, cá nhân cho bộ phim “Đại tướng của nhân dân” xin gửi về Tạp chí Điện ảnh, số tài khoản 010000 13688691 Ngân hàng SeABank chi nhánh Hai Bà Trưng. Danh sách ủng hộ sẽ được cập nhật trên website dienanhvietnam.com.vn và đăng trên Tạp chí Điện ảnh ra hàng tháng.

Khi ý tưởng làm phim về Đại tướng được thông tin rộng rãi trên báo chí, nhóm sản xuất hết sức vui mừng bởi họ không chỉ nhận được đóng góp vật chất của đồng bào cả nước mà còn rất nhiều người đóng góp các ý tưởng. Một nhà giáo ở Hà Nội đã gọi điện đến đề xuất đoàn phim nên quay cảnh một tiết học sử tại một trường phổ thông mà ở đó, giáo viên đã dùng kỹ thuật đồ họa để tạo nên hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang giảng bài về lòng yêu nước cho học trò. Hay một cựu chiến binh ở TP.HCM đã đóng góp rất nhiều tư liệu, hình ảnh của Đại tướng...

NSƯT Thanh Hùng- cựu phát thanh viên truyền hình khi nghe tin về bộ phim đã viết thư gửi ê-kíp làm phim đề đạt nguyện vọng muốn được là người đọc lời bình. Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đảm nhiệm phần âm nhạc cho phim, ông cho biết ngoài phần nhạc mới, các ca khúc như “Hồn tử sĩ”, “Giải phóng Điện Biên”, “Quảng Bình quê ta ơi”… sẽ được sử dụng đúng lúc, đúng thời điểm để tạo cảm xúc cho người xem.

Kinh phí ước tính để làm bộ phim này vào khoảng hơn 600 triệu đồng, tuy nhiên đến nay ban tổ chức mới chỉ nhận được gần 500 triệu đóng góp của các tổ chức, người dân nên rất mong ngày càng sẽ có nhiều người dân quan tâm đến dự án làm phim này. Ông Bùi Thế Vịnh cho biết: “Có nhiều người hỏi chúng tôi, việc chi tiêu có minh bạch không, xin thưa chúng tôi cố gắng để minh bạch nhất, công khai nhất, từng đồng tiền chi tiêu nhỏ nhất cũng sẽ được ghi lại, giám sát chặt chẽ vì đây là tấm lòng của người dân cả nước, là nén tâm nhang dâng lên Đại tướng vào ngày giỗ đầu. Nếu sự đóng góp vượt lên trên số kinh phí làm phim, chúng tôi dự kiến sẽ in phim thành đĩa VCD để gửi đến tận tay những người đã góp tiền cho dự án”.

Cảnh quay quan trọng nhất mà đoàn làm phim đang chờ đợi thực hiện chính là Lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ vào tháng 5 tới đây tại Điện Biên.