Dân Việt

Hàng trăm ha rừng bị lấn chiếm trái phép

Đình Thông-Hữu Anh 07/04/2014 07:02 GMT+7
Chính quyền huyện Hương Khê buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ, giao đất, giao rừng dẫn đến người dân lấn chiếm rừng trái phép, gây mất trật tự an ninh. Thậm chí, đã xảy ra đổ máu.
Rừng phòng hộ bị lấn chiếm

Hiện, hàng trăm ha rừng sản xuất, rừng phòng hộ và đất rừng trên địa bàn huyện Hương Khê bị bao chiếm trái phép. Ông Trần Thanh Hà -Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê cho biết: Đến nay, công ty này có gần 250ha rừng bị lấn chiếm, trong đó gần 210ha đã bị người dân tiến hành trồng keo.

Riêng tại tiểu khu 192 thuộc địa bàn xã Hòa Hải, một bộ phận người dân đã chiếm dụng, xẻ phát lên đến 170ha, tiểu khu 200 và tiểu khu 195 bị lấn chiếm trên 71ha. Tương tự như vậy, rừng và đất rừng do địa phương quản lý cũng bị bao chiếm trắng trợn. Ông Phạm Hữu Nhân-Chủ tịch UBND xã Hòa Hải nhẩm tính, hiện rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn Hòa Hải bị lấn chiếm trên 460ha.

Hàng trăm ha rừng ở Hương Khê, Hà Tĩnh đang bị người dân bao chiếm.
Hàng trăm ha rừng ở Hương Khê, Hà Tĩnh đang bị người dân bao chiếm.

Theo ông Nhân: “Ngoài 170ha dân lấn chiếm của Công ty Cao su Hương Khê tại Tiểu khu 192, trên địa bàn Hòa Hải còn có nhiều vùng bị lấn chiếm khác, như tiểu khu 179 có 10 hộ lấn chiếm 15ha, tiểu khu 193 vùng Khe Mán - Đập Tắt có 35 hộ lấn chiếm 85ha, khu vực đập Đá Hàn có 5 hộ lấn chiếm 15ha, khoảnh 3 tiểu khu 193 có 25 hộ chiếm 20ha…”.

Còn ông Đinh Viết Mạnh - Chủ tịch UBND xã Hương Lâm bức xúc: Hơn 100ha đất rừng nằm trong tổng số 414ha mới cắt từ BQL rừng phòng hộ Ngàn Sâu sang cho xã để giao cho dân đã bị một số người dân xã Hương Liên lấn chiếm từ trước. Việc rừng và đất rừng ở Hương Khê bị lấn chiếm nhưng chính quyền huyện Hương Khê giải quyết không dứt điểm khiến các đơn vị chủ rừng điêu đứng.

Từ hơn một năm nay tại tiểu khu 192 xã Hòa Hải bị lấn chiếm 170ha, Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê rơi vào vòng luẩn quẩn, 210 công nhân của công ty mất việc làm bởi thu nhập của họ phụ thuộc vào việc trồng, chăm sóc cao su. Bên cạnh đó, Công ty còn bị hỏng mất hàng vạn cây giống sản xuất theo kế hoạch với trị giá 1,8 tỷ đồng. Đó là chưa kể việc công ty đã bỏ ra gần 6 tỷ đồng cho việc thuê thiết kế đo vẽ, lập dự án, đánh giá tác động môi trường, nộp cho tỉnh 1,8 tỷ đồng, cho xã 1,6 tỷ đồng…

Chính quyền thờ ơ

Ông Trần Thanh Hà cho biết: Từ năm 2012 đến nay, trước tình trạng lấn chiếm đất rừng trái phép, đơn vị đã có đơn kêu cứu và nhiều văn bản gửi chính quyền các cấp huyện Hương Khê nhưng sự việc không được giải quyết dứt điểm. Tháng 11.2013, công ty đã gửi báo cáo cầu cứu tới Thường trực Huyện ủy Hương Khê, nhưng đến nay tình hình vẫn không có gì thay đổi.

Tuy nhiên theo tìm hiểu của phóng viên, thực tế cho thấy riêng việc nắm số liệu về diện tích rừng và đất rừng bị lấn chiếm hết sức khập khiễng, khó chấp nhận. Cụ thể: Hạt Kiểm lâm huyện Hương Khê cung cấp diện tích rừng toàn huyện bị lấn chiếm là 282 ha; phó chủ tịch UBND huyện phụ trách về mảng rừng và đất lâm nghiệp - ông Ngô Xuân Ninh lại nói là khoảng gần 500ha, nhưng trên thực tế, chỉ riêng xã Hòa Hải đã trên 460ha; xã Hương Giang trên 70ha; Hương Lâm gần 100ha…

Kết luận tại cuộc họp triển khai một số nhiệm vụ cấp bách diễn ra giữa tháng 12.2013, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự yêu cầu các sở, ngành liên quan phối hợp với huyện xử lý dứt điểm tranh chấp đất rừng tại huyện Hương Khê, song đến nay sự việc vẫn giẫm chân tại chỗ.

Sự việc nóng đến mức đích thân Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cùng các ban, ngành cấp tỉnh trực tiếp lên tận địa phương nắm tình hình và chỉ đạo giải quyết, sau đó yêu cầu huyện Hương Khê phải thành lập tổ công tác giải quyết. Vậy nhưng sau khi được đề bạt làm Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê kiêm tổ trưởng công tác (10.2013), ông Ngô Xuân Ninh chưa một lần về Hòa Hải gặp gỡ, đối thoại với nhân dân để tìm phương hướng tháo gỡ (?).

Trao đổi với phóng viên NTNN chiều ngày 3.4, ông Nguyễn Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nói: “UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành liên quan kiểm tra, xử lý dứt điểm về sự việc buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền Hương Khê đã để tình trạng lấn chiếm đất rừng tràn lan, lập lại kỷ cương”.