Nâng cao nhận thức về văn hóa Trình bày báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, đồng chí Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư nhấn mạnh: “15 năm qua, nhận thức về văn hóa của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể được nâng cao, vai trò của văn hóa ngày càng thể hiện rõ và có tác động lớn trong đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng và xây dựng con người mới. Cán bộ, đảng viên và nhân dân coi trọng hơn các giá trị văn hóa, nhất là các giá trị di sản văn hóa truyền thống. Dân chủ trên các lĩnh vực đời sống xã hội được mở rộng, dân trí được nâng lên, quyền con người được tôn trọng...”.
Khai mạc Tuần lễ đại đoàn kết văn hóa các dân tộc năm 2013 tại Hà Nội.
Có thể thấy rõ ràng sự chuyển biến đó thông qua các con số cụ thể của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động xây dựng “Gia đình văn hóa”. Đến tháng 12.2012, cả nước có 70,8% gia đình được công nhận Gia đình văn hóa; trên 1,3 triệu “người tốt việc tốt” được suy tôn ở các cấp; 67,1% số làng, bản, ấp, tổ dân phố văn hóa được công nhận; 57,9 số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận danh hiệu văn hóa… Các thiết chế văn hóa từ T.Ư đến địa phương được tăng cường, nhất là hệ thống các nhà văn hóa. Đến nay, cả nước có 43% số thôn, bản và 42% số xã, phường có nhà văn hóa.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đó, ông Đinh Thế Huynh cũng cho biết: Tình trạng suy thoái về đạo đức xã hội có chiều hướng lan rộng với tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần của xã hội. Đời sống văn hóa tinh thần ở một bộ phân tầng lớp xã hội và nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu, lạc hậu, khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và khoảng cách giữa các tầng lớp nhân dân còn lớn…
Báo cáo tổng kết cũng nêu: Thành tựu sáng tạo văn học nghệ thuật chưa nổi bật, còn ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa ở một số nơi hiệu quả không cao, việc trùng tu, tôn tạo di tích còn để xảy ra nhiều sai phạm, gây bức xúc trong dư luận. Một số cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, thiếu sự nhạy cảm chính trị, đăng tải thông tin không chính xác. Công tác quản lý văn hóa ở các cấp còn yếu kém, thiếu chuyên nghiệp, việc đầu tư cho văn hóa còn dàn trải, gián đoạn, hiệu quả thấp…
Chính bởi những hạn chế này mà ông Đinh Thế Huynh - đại diện Ban chỉ đạo xây dựng Đề án “Tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” đã kiến nghị với Bộ Chính trị và T.Ư ra một nghị mới về văn hóa để thay thế cho Nghị quyết 5.
Không thể tách rời văn hóa và con ngườiPhát biểu thảo luận tại hội nghị, ông Hoàng Tuấn Anh- Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho biết: “Cách đây 15 năm, Ban Chấp hành T.Ư khóa VIII đã ban hành Nghị quyết 5 là một văn bản chiến lược quan trọng mang lại cho xã hội những nhận thức mới về văn hoá. Tuy nhiên, Nghị quyết T.Ư 5 ban hành đã được 15 năm, khi đất nước ta mới bước vào kinh tế thị trường giai đoạn đầu, chưa lường hết được mặt trái của cơ chế thị trường ảnh hưởng đến văn hoá, đến xây dựng con người mới. Vì vậy rất cần thiết phải có một nghị quyết mới, phù hợp với thực tiễn và lý luận thời kỳ mới”.
Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 Phấn đấu đến năm 2015, 100% số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đủ các thiết chế văn hóa; đến 2015 và 2020, 90-100% số quận, huyện, thị xã có nhà văn hóa và thư viện, 80-90% số xã, thị trấn có nhà văn hóa, 60-70% số làng, bản, ấp có nhà văn hóa.
|
Nhà thơ Hữu Thỉnh- Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đề xuất: “Cơ chế thị trường đang tác động đến người sáng tác khiến nảy sinh hiện tượng lệch chuẩn trong hoạt động văn học nghệ thuật. Bởi thế hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải chấn hưng văn hóa từ trong môi trường nhà trường. Nền văn hóa nghệ thuật của bất cứ quốc gia nào cũng phải được nuôi dạy trong nhà trường, văn hóa luôn gắn với con người, đầu tư cho văn hoá để đầu tư xây dựng con người mới”.
Một tham luận khác thu hút đông đảo sự chú ý của các đại biểu là phần trình bày của GS Trần Văn Bính - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa, Học viện Chính trị -Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Ông cho biết: “Tôi nghĩ chỗ nào có văn hoá, chỗ đó đời sống trở nên bình yên ấm áp và hạnh phúc. Tôi còn nhớ năm 1962, trả lời phóng viên Báo Nhân Đạo của Pháp rằng sau khi chiến tranh kết thúc, nước Việt Nam sẽ tập trung cho vấn đề gì, Bác Hồ đã trả lời: “Có lẽ chúng tôi phải để lên nhiệm vụ hàng đầu tập trung phát triển văn hoá”. Văn hào Nga Maxim Gorki đã từng nói: “Đối với tôi, lời kêu gọi Tổ quốc lâm nguy cũng không đáng sợ hơn lời kêu gọi: “Hỡi các công dân, văn hoá lâm nguy”. Cần làm cho mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân nhận thức rằng bảo vệ và phát triển văn hóa dân tộc cũng là bảo vệ và phát triển đất nước”.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đề nghị Ban Chỉ đạo xây dựng “Tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” tiếp tục lấy ý kiến của các nhà quản lý, các nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân báo cáo Bộ Chính trị, trình Ban chấp hành T.Ư xem xét, quyết định; đồng thời, hoàn thiện, nâng cao chất lượng đề án, giúp T.Ư có chủ trương đúng đắn xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới của đất nước.