Dân Việt

Hậu Giang vươn mình phát triển

Đức Khánh 17/04/2014 13:21 GMT+7
Thành tựu nổi bật nhất trong 10 năm qua là địa phương đã dồn sức đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, trực tiếp là hạ tầng giao thông đường bộ được đầu tư tốt, qua đó góp phần tạo bộ mặt mới cho nông thôn Hậu Giang.
Là một tỉnh thuần nông mới thành lập nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm, đồng lòng cao của Đảng bộ và chính quyền địa phương đặc biệt là được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp lãnh đạo T.Ư, 10 năm qua nền kinh tế Hậu Giang có nhiều chuyển biến tăng trưởng vượt bậc, bộ mặt nông thôn ngày một khởi sắc...

Tỉnh nghèo vượt khó

Ông Trần Công Chánh – Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: Về các chỉ số tăng trưởng, quy mô nền kinh tế Hậu Giang mặc dù còn nhỏ bé so với các tỉnh trong khu vực nhưng đã có bước tăng khá nhanh, nổi bật là giá trị sản xuất năm 2013 đạt 53.000 tỷ đồng, (gấp 5,44 lần so với 9.700 tỷ đồng của năm 2004); tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2012 đạt 14,13%, cao nhất trong khu vực ĐBSCL...

“Hậu Giang, 10 năm xây dựng - phát triển, so với chiều dài lịch sử của đất nước không là bao nhiêu, nhưng đối với một tỉnh mới, nơi còn nhiều khó khăn, hơn 80% là nông nghiệp, còn gần 32.000 đối tượng chính sách, thì có thể nói đây là một sự bứt phá hết sức có ý nghĩa, làm nền tảng, tiền đề quan trọng cho bước phát triển tiếp theo” – ông Trần Công Chánh nhấn mạnh.

Khóm (dứa) Cầu Đúc - một trong 10 mặt hàng nông sản chủ lực nổi tiếng của Hậu Giang.
Khóm (dứa) Cầu Đúc - một trong 10 mặt hàng nông sản chủ lực nổi tiếng của Hậu Giang.

Được biết, từ năm 2004 đến nay, địa phương đã xây dựng 40.000 căn nhà tình nghĩa và nhà tình thương. Song song đó, thành tựu có tính tiền đề là Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang, quy mô 5.200ha, được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập năm 2012, hiện cơ bản đã hoàn thành các thủ tục, đồ án quy hoạch đã được hội đồng thẩm định của Bộ Xây dựng cơ bản thống nhất, đang bổ sung hoàn chỉnh trình Chính phủ phê duyệt.

Ông Đinh Văn Chung – Phó Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết: “Trong quý I/2014, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được địa phương triển khai thực hiện tích cực, việc triển khai kế hoạch năm 2014 được các địa phương thực hiện khá sớm, nhiều công trình phần việc đã được vận động người dân tham gia thực hiện quyết liệt, nhất là những xã được chỉ đạo hoàn thành các tiêu chí trong năm 2014. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 2 xã Vị Thanh và xã Đại Thành được công nhận xã nông thôn mới”.

Trọng tâm là “tam nông”


Hậu Giang đã xác định 10 nông sản chủ lực của tỉnh gồm: Lúa, mía, cam sành, bưởi Năm Roi, chanh không hạt, khóm Cầu Đúc, xoài cát, quýt đường, cá thát lát, cá rô đồng đưa vào chương trình. Mục tiêu của chương trình này là: Hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung có sản lượng lớn, ổn định; gắn kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị và theo quy trình sản xuất tiến bộ. Hoàn thiện quy trình sản xuất của từng loại nông sản chủ lực.

Tình hình xuất nhập khẩu những tháng đầu năm kết quả đạt khá. Ước kim ngạch xuất nhập khẩu trực tiếp, ủy thác và các dịch vụ thu ngoại tệ trong quý I thực hiện được 122,13 triệu USD (tăng rất cao so với cùng kỳ và đạt trên 32% kế hoạch).

"Thành tựu nổi bật nhất trong 10 năm qua là địa phương đã dồn sức đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, trực tiếp là hạ tầng giao thông đường bộ được đầu tư tốt qua đó góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng về đô thị, dân cư, thương mại, tạo bộ mặt mới cho nông thôn Hậu Giang”.

Ông Nguyễn Liên Khoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang

“Thành tựu nổi bật nhất trong 10 năm qua là địa phương đã dồn sức đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, trực tiếp là hạ tầng giao thông đường bộ được đầu tư tốt qua đó góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng về đô thị, dân cư, thương mại, tạo bộ mặt mới cho nông thôn Hậu Giang” – ông Nguyễn Liên Khoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chia sẻ.

Cũng theo ông Nguyễn Liên Khoa cho biết: “Tỉnh vẫn xác định lấy nông nghiệp làm trọng tâm trong vấn đề tái cơ cấu. Trong lĩnh vực tam nông, mặc dù cơ chế chính sách còn nhiều khó khăn, trong những năm qua địa phương đã hỗ trợ 100% lãi suất máy gặt đập liên hợp trong vòng 3 năm cho bà con nông dân. Tập trung nâng cấp đầu tư hệ thống đê bao thủy lợi khép kín gắn với cánh đồng mẫu lớn, nâng suất sản lượng trong tỉnh đạt trên 1 triệu tấn/năm. Đây là một thành tựu hết sức phấn khởi”.

“Trong năm 2014, vẫn chỉ đạo toàn diện trọng tâm Tỉnh ủy xác định là tập trung lĩnh vực y tế ở cơ sở, cố gắng hoàn chỉnh nâng cao chất lượng hệ thống y tế. Phấn đấu đến năm 2015, tất cả các trạm y tế xã đều đạt chuẩn quốc gia” – ông Khoa nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo tỉnh Hậu Giang trong thời gian tới đặc biệt tập trung vào 4 chương trình hành động, gồm: Chương trình nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; Chương trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; Chương trình phát triển nguồn nhân lực; Chương trình cải cách hành chính; xây dựng và tập trung thực hiện một số đề án, kế hoạch cụ thể, như: Đề án chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh gắn với Chương trình phát triển nông sản chủ lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2013 - 2015.

“Phấn đấu đến năm 2019, Hậu Giang tròn 15 tuổi, kinh tế - xã hội Hậu Giang phát triển theo hướng hiện đại và bền vững, giá trị gia tăng bình quân đầu người đạt khoảng 70 triệu đồng/người (cao hơn mức bình quân khu vực ĐBSCL), hoàn thành điện khí hóa nông thôn, hoàn chỉnh hệ thống đường ô tô về trung tâm xã, cơ bản hoàn chỉnh hệ thống đường liên ấp, có 80% số trường học đạt chuẩn quốc gia, hoàn chỉnh hệ thống y tế, có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, thị xã Ngã Bảy trở thành TP.Vị Thanh đạt chuẩn đô thị loại II” – ông Trần Công Chánh đưa ra định hướng.