Dân Việt

No đủ về buôn Vân Kiều

Nguyễn Trương Minh 14/03/2014 14:03 GMT+7
“Chỉ có 25 hộ với 150 nhân khẩu sống dựa chủ yếu vào rừng, vào nương rẫy, nhà nào biết nghe theo cái bộ đội biên phòng, cán bộ xã, cán bộ huyện thì có thu nhập, có nhà to để ở thôi!” - già làng Hồ Thoong chân tình chia sẻ.
Vừa nâng tẩu thuốc, già làng Hồ Thoong (gọi thân mật là pả Thoong) vừa kể cho chúng tôi về công cuộc xoá đói, giảm nghèo của bà con Vân Kiều buôn Xung, xã Thanh, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị).

Ký ức một thời chưa xa

Sau giải phóng đã mười mấy năm mà buôn làng của đồng bào Pacô, Vân Kiều dọc theo dòng sông Sêpôn vẫn nghèo xác xơ và đói quay quắt. Hoà bình rồi, không thể sống du canh nay góc rừng này, mai góc rừng kia mãi được, phải an cư thì con cháu mới có tương lai; già làng biết vậy nhưng không biết phải thuyết phục lũ làng kiểu gì?

Pả Thoong nhớ lại: “Lúc đó nghe cán bộ bảo phải trồng nhiều cái cây cho ra thứ ăn được, phải canh tác giống như người dưới xuôi thì năng suất mới cao, phải kết hợp trồng trọt với chăn nuôi, phải ra gần đường to mà ở để thuận giao thông, không phá rừng, đốt nương thì mới hết đói... bà con nghe và làm theo đấy nhưng năng suất rất thấp khiến ai cũng hoang mang...”.

Hai thế hệ người Vân Kiều ở buôn Palộvạc.
Hai thế hệ người Vân Kiều ở buôn Palộvạc.

Thì ra, người Vân Kiều ngàn đời nay vẫn giữ tập tục lạc hậu là không bón phân cho lúa, ngô, khoai, sắn; không dùng liềm cắt lúa; không dùng máy xay xát. Chỉ mỗi chuyện bón phân cho lúa thôi, mà chính quyền xã Thanh và huyện Hướng Hoá phải mất hàng chục năm mới vận động được bà con nhưng vẫn còn không ít người không chịu làm theo. Lúc này, các cấp chính quyền mới nhận ra nếu không giải quyết vấn đề tâm linh trước thì không thể vận động bà con... bón phân cho lúa.

Anh Hồ Thế Lâm, cán bộ Hội Nông dân huyện Hướng Hoá, người đã có gần 20 năm bám những buôn làng ở ven dòng Sêpôn kể rằng, cách đây chừng 9 năm (năm 2005), anh đã được tham dự một lễ cầu xin Giàng ở buôn Palộvạc. Già làng khấn rằng: “Hôm nay, người Vân Kiều ở Palộvạc, xã Thanh làm lễ vật này cầu xin Giàng cho phép bón phân để lúa được nhiều như nơi khác.

Nếu Giàng đồng ý thì hãy cho cây nêu này rung lên, rung lên...”. Vậy mà cây nêu cũng rung lên thật, rồi đổ xiêu xuống bàn thờ. Hôm sau già làng Palộvạc tiến hành bón phân cho lúa nhưng dân làng vẫn chưa chịu làm theo. Chỉ đến khi thu hoạch lúa, già làng mời cả buôn đến ăn cơm mới, sau 1 tuần chẳng thấy ai bị Giàng bắt vạ, từ đó bà con mới chịu tin, chịu dùng phân bón cho lúa...

“Chưa giàu nhưng đủ ăn!”

"Giờ thì ta nói, bà con nghe lắm rồi. Mừng nhất là có nhiều đứa thanh niên trong buôn biết làm kinh tế giỏi nên giàu hơn cả mình. Chúng nó bây giờ được xuống huyện tập huấn, được học nhiều thứ kỹ thuật canh tác nên trồng cây gì, nuôi con gì cũng trúng...”.

Già làng Hồ Thoong

Những người đi đầu trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo là các già làng, trong đó có pả Thoong. Pả nghĩ mình phải giàu, phải có cái ăn cái để thì bà con mới nghe, mới tin, mới làm theo mình.

Nghe nói mấy xã phía ngoài thị trấn có giống sắn tăng sản, hợp với đất đai, khí hậu vùng rừng này lại có nhà máy bao tiêu sản phẩm, pả rất muốn trồng thử cái giống ấy. Nghĩ rồi, pả Thoong tìm đến Đồn biên phòng trình bày nguyện vọng.

Đồn cho chở vào 13 xe công nông sắn giống khiến bà con trong buôn mừng lắm. Bây giờ nhà pả đã có 300 gốc tiêu lớn, gần 3.500 gốc sắn, hàng trăm gốc chuối. Năm vừa rồi cả buôn Xung được mùa sắn, nhiều gia đình đã sắm được cả xe máy. Vui đấy, nhưng vẫn còn không ít những băn khoăn, trăn trở nhất là về vấn đề đường giao thông.

Con đường đến trung tâm xã đã khó đi, còn đường về các buôn lại chênh vênh, hiểm trở. Vì thế mà sắn của bà con bị thương lái ép giá, chuối, xoài chỉ bán được qua đường sông cho người bên Lào chứ không thể đưa ra chợ huyện, chợ tỉnh được.