Dân Việt

Kiểm xe quá tải, nông dân quá oải: Tăng cước, nhưng thiếu xe

Lê Hân -Ngọc Minh 18/04/2014 07:11 GMT+7
Trong khi nhiều đơn vị vận tải còn đang nghe ngóng thái độ cơ quan chức năng về việc kiểm tra tải trọng xe thì các doanh nghiệp (DN) thu mua nông sản vắt chân lên cổ.
Thị trường nông sản xáo trộn mạnh về giá cả, hàng hóa tồn đọng do phương tiện chuyên chở không đáp ứng được.

Doanh nghiệp bấn loạn

Ông Trần Hữu Danh – Giám đốc Công ty TNHH Long Việt (Tiền Giang) cho biết: “Nửa tháng nay công ty ông bấn loạn cả lên vì việc kiểm tra tải trọng xe tải. Đủ thứ chuyện phát sinh mà doanh nghiệp không thể nào trở tay kịp. Nào là cước phí tăng vọt lên gấp 2 – 3 lần, hàng hóa bị ùn ứ, hư hỏng nặng”.

Nhiều phương tiện tập kết tại bãi dừng chân phía bờ Vĩnh Long để hạ tải trước khi qua trạm.
Nhiều phương tiện tập kết tại bãi dừng chân phía bờ Vĩnh Long để hạ tải trước khi qua trạm.

Ông Trần Thanh Quang - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tập đoàn Quang Minh cho biết: “Siết tải trọng là đúng luật, nhưng áp dụng nhanh quá nên chúng tôi không kịp chuẩn bị để ứng phó. Hiện giờ thay vì chở 1 chuyến, sẽ phải chở thành 2 - 3 chuyến”.

Dù chấp nhận giá cước lên gấp 2 - 3 lần, song hàng tồn kho vẫn còn lớn do các DN vận tải không có đủ đầu xe để chạy. “Về lâu dài, việc này sẽ làm giá cả hàng hóa tăng và người phải gánh phần tăng chính là người tiêu dùng. Do vậy, tôi cho rằng, dù siết tải trọng nhưng chúng ta phải làm có lộ trình” - ông Quang nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Hùng Linh - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cũng cho biết, kể từ khi có cuộc tổng kiểm tra tải trọng xe thì cước vận tải tăng đột biến, hàng hóa bị ùn ứ ở các cảng, cửa khẩu biên giới phía Bắc. Trong khi Trung Quốc hiện đang là thị trường lớn nhất của xuất khẩu gạo nước ta ở chính ngạch lẫn tiểu ngạch nên việc xáo trộn ở thị trường này có ảnh hưởng rất lớn đến tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam. “Từ đợt kiểm tra tải trọng, cảng Hải Phòng đang bị dồn ứ hơn 300.000 tấn gạo chưa xuất đi được. Tiến độ giao hàng ra phía Bắc xuất đi Trung Quốc bị chậm hẳn lại. Từ đó giá lúa gạo trong nước bị chững lại và giảm nhẹ khoảng 200 đồng/kg trong mấy ngày qua” – ông Linh phản ảnh.

Phân bón thiệt hại kép

Một trong những mặt hàng cũng bị thiệt hại “kép” là phân bón. Ông Trần Đăng Khoa - Giám đốc Công ty Phân bón Kalix (TP.HCM) cho biết: “Trước 1.4, cước vận chuyển từ Bình Dương đi Đăk Nông chỉ 400.000 đồng/tấn thì nay đã tăng lên thành 700.000 đồng/tấn. Tương tự, từ Bình Dương đi Gia Lai cũng đã tăng từ 560.000 đồng lên 960.000 đồng/tấn”. Mặc dù DN đã chấp nhận giá mới nhưng nhà xe vẫn không nhận chở, vì họ nói chở đúng tải trọng không có lời. Theo ông Khoa, chính vì vậy năng lực vận chuyển theo đó giảm hẳn. Trước mỗi ngày có tới 10 – 15 xe xin chở hàng, nay DN tìm đỏ mắt chẳng được xe nào.

Phải triệt tiêu tiêu cực phí
Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng: “Chúng tôi cơ bản ủng hộ làm theo đúng pháp luật, ủng hộ biện pháp kiểm soát tải trọng. Tuy nhiên, song song với biện pháp này, chúng ta cũng cần phải triệt tiêu tiêu cực phí để đảm bảo sự công bằng cho các DN. Theo tính toán, hiện các DN phải chịu rất nhiều chi phí tiêu cực cho các lực lượng chức năng, số này lên tới 15-20% giá trị sản phẩm. Vì nếu không sẽ tạo ra sự cạnh tranh không công bằng do một số DN có “cửa” né kiểm soát tải trọng”.

Ông Vũ Xuân Hồng – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho hay: “Hiện giờ chúng tôi chỉ có thể chuyển được 1/3 số hàng do tải trọng bị giảm, vì thế giá cước cũng tăng lên nhiều. Công ty vừa phải thực hiện chính sách hạ giá sản phẩm, vừa bù cước với mức 500.000 đồng/tấn. Với 4.000 tấn phân bón cần vận chuyển mỗi ngày, công ty đã phải bù lỗ 2 tỷ đồng, giá cước vì thế cũng tăng lên gấp 3 lần”.

Ông Hồng đề xuất nên nới biên độ tải trọng xe ở mức chấp nhận được. Đồng thời, do sắp đến thời vụ gieo cấy của bà con nông dân, nên xem xét cho chở thêm đến mức có thể chấp nhận được với điều kiện cầu, đường hiện nay. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện Công ty Lâm Thao đang tồn kho hàng nghìn tấn sản phẩm do các doanh nghiệp vận tải không có đủ xe để đáp ứng nhu cầu vận chuyển.

Tương tự, ông Trương Quang An - Chủ nhiệm Hợp tác xã Thanh long Tầm Vu (Long An) cũng than thở: “Ở đây chỉ cho xe tải trọng tối đa 30 tấn, trong khi cái đầu kéo và thùng xe đã hết 20 tấn, hàng hóa chở đi còn có 10 tấn. Thanh long của HTX toàn xuất khẩu mà theo quy định của quốc tế 1 container phải đủ 20 tấn, nay có 10 tấn sao xuất? Hàng hóa bị ứ đọng hư hết, thiệt hại hổm rày không biết bao nhiêu mà kể”.

Chưa yêu cầu dỡ tải đối với xechở nông sản


Đó là đề nghị của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tại cuộc họp đánh giá việc đồng loạt triển khai kiểm soát tải trọng trên các tuyến quốc lộ tổ chức ngày 17.4 tại Hà Nội.


Trước thông tin hàng hóa bị ùn tắc tại cảng, Bộ trưởng Thăng cho biết có những thời điểm hàng hóa dồn dập, chưa cần đến việc kiểm soát tải trọng cũng bị chậm lưu thông. Tuy nhiên, ông Thăng đã tiếp thu vấn đề này và đề nghị các lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ kiểm soát tải trọng: “Đối với xe vận chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm của người nông dân, nếu phát hiện chở quá tải chỉ phạt và cho đi, không yêu cầu dỡ tải trong thời gian này. Sau này chúng ta sẽ xử lý tiếp, nhưng trước mắt cần linh hoạt trong mùa vụ của người nông dân”.


Linh hoạt đối với việc xử lý xe chở nông sản của nông dân nhưng người đứng đầu Bộ GTVT tiếp tục khẳng định “việc triển khai kiểm soát tải trọng phương tiện là thường xuyên, liên tục, không phải là phong trào hay chiến dịch”.


Kể từ khi đồng loạt triển khai kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ từ ngày 1.4, các địa phương đã kiểm tra 10.979 xe, trong đó có 2.132 xe vi phạm tải trọng.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đánh giá cao 17 địa phương đã triển khai đồng bộ, nghiêm túc công tác kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ, duy trì liên tục 24/24 giờ. Tuy nhiên, vẫn còn 24 địa phương chưa có các giải pháp hiệu quả trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ, thiết bị được cấp chậm đưa vào sử dụng, chưa tổ chức duy trì hoạt động của trạm kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ 24/24 giờ và 7 ngày trong tuần.
Vinh Hải