Trước câu hỏi của Đại biểu về các giải pháp chấm dứt tai biến y khoa, chấn chỉnh y đức, Bộ trưởng cho biết, người dân cần phải phân biệt rõ tai biến y khoa bất khả kháng hay do tiêu cực, những nhiễu, chứ không nên cứ nhìn thấy tai biến y khoa là cho rằng có tiêu cực và đổ lỗi cho các bác sĩ - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định tại phiên chất vấn của Ủy ban thường vụ Quốc hội chiều ngày 1.4.
Khi khám chữa bệnh cho bệnh nhân, các bác sĩ đều hết lòng, hết khả năng. Việc khám bệnh có thể khỏi, cũng có thể có biến chứng, có thể để lại di chứng, thậm chí tử vong. Tai biến y khoa có thể xảy ra bất cứ lúc nào, các bác sĩ bó tay, y học bất lực.
Bộ trưởng ví dụ về vụ cắt cả hai quả thận của bệnh nhân Tú ở Cần Thơ là do quả thận hình móng ngựa, dính liền nhau, thày thuốc khó phân biệt. Sai sót có thể do sơ ý, sai sót do vô trách nhiệm và nhiều nguyên nhân khác. Do đó, cần thành lập Hiệp đòan bác sĩ, Hội đồng y khoa với các luật sư biết về y tế để đưa ra các phán xét khách quan, vừa bảo vệ quyền lợi của người bệnh, vừa phân biệt đúng sai của bác sĩ.
“Ngay cả Mỹ, mỗi năm có hơn 4.000 ca tử vong do tai nạn giao thông nhưng có tới 120.000 ca tử vong do các tai biến y khoa. Điều đó khẳng định, tai biến y khoa là không thể tránh khỏi, đừng vội vàng quy chụp trách nhiệm cho các bác sĩ”.
Cũng tại cuộc chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong gần 4 tháng
thành lập, Đường dây nóng của bộ đã nhận được gần 7.000 cuộc gọi, trong
đó có hơn 2.000 cuộc họp đúng nội dung. 40% cuộc gọi phản ánh về thái
độ, quy tắc ứng xử; 25% phàn nàn về cơ sở chật chội; 22% phán ánh về
việc làm sai quy trình và 12% về rắc rối khi thanh toán viện phí…
|
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, trong thời gian qua, các vụ việc tiêu cực trong ngành y tế xảy ra không ít như “nhân bản” kết quả xét nghiệm để vụ rút ruột bảo hiểm y tế tại bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội); vụ tiêm nhầm thuốc dẫn đến tử vong cho 3 trẻ em tại Bệnh viện Hướng Hóa (Quảng Trị)…
Trong khám chữa bệnh cũng không ít cán bộ y tế còn vô trách nhiệm, không yêu thương bệnh nhân, nhũng nhiễu, đòi hỏi nên để xảy ra tai biến hoặc gây bức xúc cho người bệnh. Bộ Y tế đã ra nhiều văn bản quy phạm, tăng cường giáo dục và thanh kiểm tra trong bệnh viện. Bộ sẽ xử lý nghiêm các sai sót, không để những người làm mất danh dự, uy tín của ngành trong các cơ sở y tế.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, để hạn chế tai biến thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bệnh nhân, gia đình bệnh nhân và bác sĩ. Người bệnh cần thông báo mọi điều cho bác sĩ nắm rõ. Đồng thời phối hợp với bác sĩ trong chăm sóc và điều trị.
“Mọi người cần đánh giá đúng công sức của bác sĩ trong việc chăm sóc người bệnh, hiểu nỗi vất vả của bác sĩ khi đứng mổ 8-10 tiếng liên tục, chăm đứa trẻ khóc cả đêm. Nếu làm cho bác sĩ áp lực thì người dân cũng thiệt thòi”- Bộ trưởng nhấn mạnh.