Thưa bộ trưởng, năm 2013 được coi là một năm đầy sóng gió của ngành y tế nước nhà. Những sự việc đây đó đã xảy ra một cách đáng tiếc khiến công tác quản lý ngành, thậm chí hình ảnh và những nỗ lực của cả một hệ thống bị ảnh hưởng. Bộ trưởng có thể chia sẻ một vài suy nghĩ của cá nhân mình sau một năm được coi là “không bình yên” vừa qua?
- PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến: Đúng như bạn đã nói, năm 2013 vừa qua thực sự là một năm không bình yên của ngành y. Bằng chứng là phía sau những nỗ lực của toàn hệ thống, những thành qủa được đánh đổi bởi mồ hôi, nước mắt và cả sự hi sinh thì lại có những câu chuyện đáng tiếc xảy ra.
Vụ việc xảy ra ở thẩm mỹ viện
Cát Tường và một số sự cố khác liên quan đến ngành y tế vừa qua báo chí đã nói
nhiều, dư luận cũng có lúc đã “nổi sóng” khiến chúng tôi phải chịu khá nhiều áp
lực. Đó là sự việc, sự cố rất đáng tiếc và ngoài mong muốn của chúng tôi. Trách
nghiệm quản lý ngành của mình như thế nào chúng tôi cũng đã xác định rõ, với
tinh thần cầu thị và hết sức nghiêm túc. Tuy nhiên, ở bất kỳ hoàn cảnh và tình
huống nào thì như bao ngành khác, ngành y chúng tôi cũng cần có sự đồng tình ủng
hộ và chia sẻ của người dân, sự chung tay của cả hệ thống chính trị và cộng đồng.
Việc giám sát, phản hồi khách quan, trung thực, kịp thời của nhân dân giúp các thầy thuốc làm tốt hơn trách nghiệm của mình, đồng thời giúp các cơ quan uản lý có biện pháp xử lý triệt để các hành vi sai trái, nhũng nhiễu, tiêu cực. Chúng tôi luôn mong mỏi từ dư luận cũng như cơ quan truyền thông đại chúng cái nhìn khách quan, công bằng và cả sự khoan dung độ lượng. Như thế không chỉ giúp chúng tôi loại bỏ được những “con sâu” của ngành mà những công lao cống hiến của cả một hệ thống được ghi nhận, cổ vũ khi họ có nhiều nỗ lực xứng đáng.
Thực tế trong nhiều năm qua, nền y học Việt Nam đạt được một số thành tựu ngang tầm khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, những năm gần đây các chính sách y tế dành cho người nghèo và cận nghèo được triển khai hiệu qủa. Mạng lưới y tế xã, thôn bản là mô hình được nhiều nước học tập. Những nỗ lực về giảm tải ở các bệnh viện, chính sách bảo hiểm y tế toàn dân… đem lại lợi ích không nhỏ cho người bệnh và nhân dân. Thưa bộ trưởng, đó hẳn không phải là kết qủa ngẫu nhiên?
- PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến: Trải qua những thăng trầm của lịch sử, ngành y tế nước nhà đã đánh dấu những bước phát triển hết sức quan trọng của mình, khẳng định tài năng, trách nghiệm và cả sự hi sinh của biết bao thế hệ. Thành qủa ấy là cả một qúa trình dài, được đánh đổi bằng cả mồ hôi và xương máu.
Tiếp nối truyền thống vẻ vang ấy,
đội ngũ những người làm công tác y tế hôm nay luôn ý thực vai trò và nhiệm vụ
thiêng liêng cao cả của mình trong sự nghiệp chữa bệnh cứu người, chăm sóc sửa
khỏe nhân dân. Nhiều thành tựu y học trong nước được ghi nhận ngang tầm với khu
vực và trên thế giới.
Chúng ta đã có hai mươi sáu công trình vừa được công nhận là thành tựu y, dược nổi bật thuộc 11 lĩnh vực: ghép tạng, can thiệp tim mạch/ung bướu, nội soi phẫu thuật, can thiệp chấn thương/ chỉnh hình, ứng dụng tế bào gốc, hỗ trợ sinh sản, nhãn khoa, y học cổ truyền, sản xuất vaccine/sinh phẩm y tế, dược và chuyển giao công nghệ. Các chính sách y tế dành cho người nghèo và cận nghèo được triển khai hiệu qủa. Mạng lưới y tế xã, thôn bản là mô hình được nhiều nước học tập. Các chính sách về Bảo hiểm y tế toàn dân, giảm tải ở bệnh viện, giảm phiền hà cho người bệnh khẳng định nỗ lực không ngừng của cả hệ thống y tế cũng như sự quan tâm sát sao của Đảng, chính quyền từ trung ương đến cơ sở, Bộ Y tế cũng đã tham mưu cho Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định, chính sách về các bệnh mới nổi ở Việt Nam, cơ chế tài chính cho các cơ sở y tế công lập, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm y tế toàn dân; các chính sách về phòng chống tác hại của thuốc lá, thực hành vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe toàn dân…
Tuy nhiên sau những sự việc xảy ra tại một vài cơ sở y tế hoặc đơn vị liên quan, dư luận đã đặt ra nhiều vấn đề của người thầy thuốc… như là tồn tại của ngành y đó là vấn đề y đức, nạn tiêu cực, tinh thần trách nhiệm. Là người đứng đầu ngành y vốn đặc thù và rất nhạy cảm, Bộ trương sẽ làm gì và mong muốn thế nào để vừa loại bỏ được “con sâu” mà không làm ảnh hưởng đến “nồi canh”?
- PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến: Như tôi đã nói, các sự cố và vấn đề liên quan đến ngành y tế vừa qua là bài học sâu sắc đối với ngành y tế, nó đã tạo nên những áp lực đối với toàn hệ thống. Nhưng chúng tôi cũng đã xác định rất rõ ràng rằng, một khi chúng ta làm chưa tốt thì áp lực vẫn sẽ còn nhiều. Bởi vậy không chỉ sau những sự việc đáng tiếc xảy ra mà trước đó chúng tôi cũng đã chú trọng ban hành những quy định liên quan đến công tác quản lý ngành. Mới đây, vào tháng 12/2013 vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá chất lượng BV, là công cụ để các BV tự xác định mình đang ở mức chất lượng nào, từ đó có phương án cải thiện. Ngoài ra, mọi quy định về hành nghể y tế tư nhân và công lập đều rõ ràng, đầy đủ.
Ngành y là ngành hết sức đặc thù, liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người, những tai biến trong lĩnh vực này luôn thường trực, vậy nên chúng tôi không cho phép bất cứ trường hợp cán bộ, y bác sĩ nào được lơ là hay coi thường sức khỏe sinh mệnh của người bệnh. Chúng tôi đã triển khai việc thiết lập đường dây nóng tại các bệnh viện, các cơ sở và ngay cả cơ quan Bộ Y tế, tổ chức hàng trăm lớp học cho hơn 6.000 cán bộ y tế về y đức. Tới đây nếu bệnh viện nào để xảy ra sự việc vi phạm, các danh hiệu thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ý tế hàng năm cũng sẽ phải định lại. Bộ Y tế kiên quyết sốc lại chính mình bằng những nỗ lực đã và đang được triển khai sâu rộng hơn trong toàn hệ thống, để từng bước loại bỏ những “con sâu” làm ảnh hưởng đến toàn ngành.
Dù cực lực lên án những hành vi tiêu cực, xuống cấp về ý thức của một số cá nhân nhưng khi nhắc đến bậc thầy trong ngành y, những người làm công tác y tế chân chính, những y bác sĩ , y tá điều dưỡng đang ngày đêm thầm lặng cống hiến, thậm chí hi sinh cả bản thân để chữa bệnh cứu người thì bất cứ ai cũng nhất nhất một niềm cảm phục. Với những con người đáng kính ấy, Bộ trưởng muốn nói điều gì?
- PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến: Trong suốt thời gian qua, cá nhân tôi với trách nhiệm là người đứng đầu ngành y tế đã rất lấy làm tiếc về những sự cố liên quan đến ngành y tế. Những luồng dư luận thiếu thiện cảm, những chỉ trích nặng nề đã khiến cả một đội ngũ làm nghề chân chính, những bậc thầy, những nhà khoa học đang ngày đêm thầm lặng cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân không khỏi phiền lòng. Chúng ta đều biết, toàn ngành y vẫn còn hơn 400.000 cán bộ đang ngày đêm vất vả làm việc vì người bệnh, vì nhân dân, phần lớn cán bộ ngành y thường phải làm việc trong môi trường căng thẳng, áp lực.
Cá nhân tôi luôn trân trọng sự hi sinh và cống hiến của các thầy, các nhà khoa học, các y bác sĩ, y tá, điều dưỡng, hộ lý. Họ xứng đáng được đối xử một cách công bằng, với niềm tin và cảm phục sâu sắc cũng như sự tin yêu của cộng đồng, xã hội
Năm mới xin nhắc một chút chuyện cũ. Tại một hội nghi, Bộ trưởng đã từng nói một ý khiến nhiều người tâm đắc đó là: “Bắt buộc phải đào tạo bác sĩ chuyên khoa và phải chú trọng chất lượng”. Bên cạnh đó. Một giám đốc bệnh viện tuyến trung ương cũng khẳng định: “học y 6 năm thì chưa làm được”. Thưa bộ trưởng, công tác đào tạo đối với ngành y có vẻ như cần phải được xem lại để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn?
- PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến: Thực ra công tác đào tạo thì không riêng gì ngành y mà bất kỳ ngành
nào cũng cần được chú trọng và quan tâm một cách thỏa đáng, phù hợp. Ngành y thực
hành trực tiếp trên cơ thể con người, đảm nhiệm vai trò bảo vệ sức khỏe và tính
mạng của nhân dân cho nên không thể coi nhẹ công tác đào tạo, nâng cao trình độ
chuyên môn nghiệp vụ.
Thực tế tại các cơ sở y tế trọng điểm tình trạng thiếu y bác sĩ có tay nghề rất trầm trọng, đặc biệt các bác sĩ chuyên khoa. Bên cạnh đó công tác đào tạo còn nhiều bất cập, các cơ sở đào tạo ngoài công lập thì tuyển sinh ồ ạt, cạnh tranh, chạy theo phong trào, không chú trọng đến chất lượng. Ví như ở đồng bằng Sông Cửu Long có trường lần đầu tiên thành lập nhưng mở một lúc 4-5 ngành, đào tạo cả bác sĩ, dược sĩ, kỹ thuật xét nghiệm, điều dưỡng. Vậy nên tôi muốn nhấn mạnh trước hết vai trò của công tác đào tạo phải hết sức bài bản, chuyên nghiệp. Cần tăng cường đầu tư cho khâu thực hành, đương nhiên cũng không phải cứ vào bệnh viện là có thể được phép can thiệp vào cơ thể người bệnh mà cũng phải có lộ trình và yêu cầu thích hợp.
Bộ trưởng có thể cho biết những mục tiêu cơ bản trong năm mới 2014 của ngành y tế là gì?
- PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến: Bước sang năm mới 2014, ngay từ những tháng đầu năm ngành y tế tiếp tục tập trung cho công tác khám chữa
bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, vào dịp tết Giáp Ngọ 2014 tăng
cường công tác kiểm tra kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm: công tác phòng chống
dịch bệnh, không để xảy ra các dịch bệnh lớn.
Ngành y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh
việc thực hiên các đề án góp phần giảm tải bệnh viện như: Đề án Giảm tải Bệnh viện; Đề án Bệnh viện Vệ tinh; Đề án Bác sĩ Gia đình; Đề
án 1816, các chính sách đối với bệnh nhân nghèo, chính sách về bảo hiểm y tế…
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá và quản lý chất lượng các bệnh
viện, cơ sở y tế, hướng đến việc tính đúng, tính đủ vào năm 2018 sẽ giúp đẩy
nhanh lộ trình và sớm đạt mục tiêu thực hiện BHYT toàn dân và nâng cao mức hưởng
dịch vụ y tế
của người tham gia BHYT, sớm đi đến mục tiêu BHYT toàn dân.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục rà soát hệ thống các văn bản quy phạm liên quan, xậy dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn về y đức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tạo sự đồng thuận của các cấp ngành và cả hệ thống chính trị nhằm góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng phục vụ và chăm sóc sức khỏe nhân dân
Xin cảm ơn và chúc sức khỏe Bộ trưởng!