Còn hơn một năm nữa để giảm được tỷ lệ đói nghèo xuống còn 60% cho người Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao, theo đề án được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1672, nhưng vì nhiều lý do, mãi đến năm 2013, nguồn vốn đầu tiên của đề án mới được phân bổ cho các địa phương. Và đến nay, số vốn này vẫn nằm im trong kho bạc…
Trung ương chờ tỉnh, tỉnh chờ Trung ương
Đề án phát triển kinh tế-xã hội cho 4 dân tộc rất ít người được phê duyệt kinh phí thực hiện hơn 1.042 tỷ đồng, với 2 nguồn vốn phát triển sự nghiệp và vốn phát triển sản xuất cơ sở hạ tầng. Trong đó, để giải ngân được vốn sự nghiệp bắt buộc các tỉnh phải lập dự án thành phần trình lên Trung ương thẩm định, phê duyệt. Nguồn vốn đề án sẽ được phân bổ hàng năm, nhưng mãi đến năm 2013, nguồn vốn đầu tiên mới về được các địa phương thụ hưởng với nhiều lý do chậm trễ.
Người dân ở bản Nậm Kè 1, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé (Điện Biên) vẫn phải dùng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.
Ông Tạ Đức Huỳnh - Phó ban Dân tộc tỉnh Điện Biên cho hay: Việc phân bổ vốn sự nghiệp hỗ trợ đảm bảo an sinh vùng dân tộc Cống trên địa bàn tỉnh rất khó khăn. Năm 2013, thực hiện đề án phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Cống, tỉnh được phân bổ hơn 1,1 tỷ đồng vốn sự nghiệp, nhưng đến cuối năm cũng mới chi 166 triệu đồng để mua radio và làm chương trình truyền hình về dân tộc Cống, nhưng chưa thể giải ngân được nên tiền vẫn phải nằm trong kho bạc. Theo ông Huỳnh, nguyên nhân không thể giải ngân là do… Trung ương. “Chúng tôi đã kiến nghị các bộ, ngành sớm ban hành hướng dẫn chi tiết để triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp của đề án. Nhưng đến nay vẫn chưa nhận được văn bản hướng dẫn” - ông Huỳnh cho hay.
Như vậy, các tỉnh trong đề án vẫn đang chờ Trung ương hướng dẫn. Tuy nhiên, theo Quyết định 1672, việc lập đề án tổng hợp (gồm các nội dung hỗ trợ từ 2 nguồn vốn) là do các sở, ngành liên quan của địa phương xây dựng và chủ tịch UBND tỉnh ký phê duyệt để ban hành thực hiện. Riêng với nguồn vốn sự nghiệp, địa phương phải lập dự án thành phần, trình các bộ, ngành xem xét, phê duyệt. Ông Nguyễn Văn Duẩn - Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương I (Ủy ban Dân tộc) cho biết: “Để thực hiện đề án thì các tỉnh được thụ hưởng phải lập dự án thành phần để các bộ, ngành Trung ương thẩm định, phê duyệt. Dự án thành phần là những nội dung hỗ trợ cụ thể của từng địa phương, do địa phương đó đề nghị và chịu trách nhiệm”.
“Cầm đèn chạy trước ô tô”Được biết, từ tháng 9.2013, Ủy ban Dân tộc đã nhiều lần gửi công văn đề nghị các tỉnh nhanh chóng lập dự án thành phần. Tuy nhiên, đến thời điểm giữa tháng 3 này, vẫn chưa có địa phương nào xây dựng dự án thành phần. Mà theo quy định, các địa phương chỉ có thể giải ngân vốn sự nghiệp sau khi lập dự án thành phần, và được các bộ, ngành liên quan thẩm định, phê duyệt.
Thế nhưng, đã có địa phương như Lai Châu dù chưa lập dự án thành phần, nhưng tỉnh đã “linh động” ra Văn bản (số 110/UBND-VX) triển khai một số nội dung hỗ trợ từ vốn sự nghiệp, trong đó chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp; xây dựng mô hình trình diễn, tập huấn kiến thức cho người dân; các doanh nghiệp tham gia tạm ứng vốn để thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất cho người Mảng, La Hủ, Cống sinh sống trên địa bàn, sau này khi có hướng dẫn chi tiết của Trung ương sẽ tiến hành quyết toán theo quy định. Đánh giá về cách làm này, ông Nguyễn Văn Duẩn khẳng định, chưa có dự án thành phần mà triển khai thực hiện hỗ trợ từ vốn sự nghiệp là sai quy định. “Không thể xem Văn bản số 110/UBND-VX ngày 6.2.2014 của UBND tỉnh Lai Châu là dự án thành phần. Ủy ban Dân tộc sẽ kiểm tra, đồng thời tiếp tục yêu cầu các địa phương nhanh chóng lập dự án thành phần để các bộ ngành Trung ương phê duyệt” - ông Duẩn chỉ rõ.
Còn tỉnh Điện Biên, cũng do chưa lập dự án thành phần mà đã “cầm đèn chạy trước ô tô” nên việc giải ngân 166 triệu đồng từ vốn sự nghiệp để mua radio và xây dựng 3 chương trình truyền hình dân tộc Cống gặp khó, vì cũng không đúng quy định.
Nhiều bất hợp lý trong phân bổ vốn
Vì cả 3 tỉnh trong đề án đều chưa lập dự án thành phần, nên đến thời điểm này, nguồn vốn sự nghiệp vẫn nằm trong kho bạc do… chưa biết hỗ trợ nội dung gì.
|
Có một thực tế nữa là, với nguồn vốn khá lớn, nhưng khi triển khai tới các địa phương lại bị phân tán, nhỏ lẻ. Chẳng hạn, năm 2014 huyện Mường Tè (Lai Châu) bổ sung dự toán hơn 18 tỷ đồng hỗ trợ cho 3 dân tộc Mảng, La Hủ, Cống trên địa bàn, trong đó vốn cho hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp và triển khai các mô hình là gần 5 tỷ đồng; vốn chi hỗ trợ nhà ở cho các hộ có nhà tạm, hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi hơn 13 tỷ đồng.
Với số tiền này, theo ông Nguyễn Anh Đức - Phó Trưởng phòng Kế hoạch (Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu), hỗ trợ làm nhà ở kiên cố rất cần, tuy nhiên, nếu không lồng ghép được các nguồn vốn thì việc hỗ trợ nhà ở chỉ như muối bỏ biển. Ý kiến của ông Đức không phải không có cơ sở. Bởi hiện nay, đời sống của đại bộ phận người dân La Hủ, Mảng, Cống, Cờ Lao còn quá bấp bênh. Dù nhiều bản làng đã được quy hoạch tập trung (theo chương trình định canh định cư của Chính phủ) nhưng người dân vẫn chủ yếu sống trong những ngôi nhà nền đất tường tre. Trong khi đó, mùa giáp hạt, người dân vẫn đói quay quắt.
Ngoài ra, việc phân nguồn vốn để thực hiện các dự án thành phần hỗ trợ sản xuất, đảm bảo an sinh cho 4 dân tộc ở các tỉnh cũng đã xuất hiện những bất cập như: Dù đã chi 166 triệu đồng từ vốn sự nghiệp để mua radio và xây dựng 3 chương trình truyền hình về dân tộc Cống của Điện Biên, nhưng khi chúng tôi đến bản Nậm Kè 1, nơi có 52 hộ dân tộc Cống được phát đài, hỏi thì chẳng thấy ai sử dụng. Còn 3 chương trình truyền hình đã xây dựng thì ông Huỳnh khẳng định là đang lưu kho vì hạ tầng truyền dẫn chưa có. Trong khi đó, người Cống rất cần được hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp để chuẩn bị cho vụ mùa tháng 6, vụ lúa duy nhất của đồng bào trong năm.