Giữ đất cha ông…Tôi đến với huyện Si Ma Cai - vùng biên giới giáp ranh với Trung Quốc của tỉnh Lào Cai vào một chiều lạnh tháng 2. Những cơn gió lạnh ràn rạt thổi như quất vào da thịt làm người ta thèm cái cảnh “bếp lửa-chăn bông-rượu nồng-chè ấm”. Nhưng bên bãi sản xuất đá xây dựng ở bản Phố Thầu, thị trấn Si Ma Cai, chàng trai trẻ người dân tộc Mông-Giàng Seo Lẻo (23 tuổi) vẫn mải mê bốc xếp từng viên đá hộc-thành phẩm lao động của một ngày mệt nhọc.
Bà con các dân tộc vùng biên giới Việt - Trung ở huyện Mường Tè, Lai Châu vui mừng chào đón đoàn công táccủa Bộ đội Biên phòng về với dân bản.
Hỏi chuyện Lẻo, anh bảo: “Mình sinh ra ở đất này. Dù có đói nghèo cũng không bỏ bản đi đâu hết. Có người rủ xuống thành phố làm ăn, có người rủ di cư sang Trung Quốc dễ sống hơn. Nhưng mình bảo: Đất của cha ông để lại, ai cũng bỏ đi thì ai giữ đất quê hương”.
Với Lẻo, anh tin chắc có sức khỏe, có quyết tâm, làm mãi cũng sẽ có của ăn, của để. Lẻo mới lấy vợ, có con rồi nên dù vất vả anh luôn nghĩ đời con mình sẽ khá hơn. “Bây giờ Nhà nước quan tâm tới người nghèo nơi biên giới nhiều lắm. Có đường tốt để đi, có điện thắp sáng, có trường lớp cho trẻ học, dân nghèo được hỗ trợ làm nhà. Mình còn được học thêm nghề sửa chữa xe máy để kiếm sống đấy…”- anh nói.
Đã bước vào tuổi 44, từng trải qua ký ức kinh hoàng trong cuộc chiến chống quân xâm lược bành trướng Bắc Kinh năm 1979, anh Lùng Lìn Thường, dân tộc Nùng ở đội 4, xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai, bảo: “Tôi đang học lớp 1 thì chiến tranh xảy ra. Thế là phải bỏ học, cả nhà, cả bản dắt díu nhau trốn giặc Trung Quốc.
Đói khổ, ốm đau, thất học, chết chóc… nhưng hết chiến tranh, chúng tôi lại trở về bản, bám mảnh đất này sinh sống”. Bây giờ, nhiều người dân trong bản vẫn sang bên kia biên giới làm ăn. Nhưng dù bên ấy họ “đề nghị” bà con ở lại lâu dài cũng không ai ở lại. Người Nùng, Mông, Dao, Giáy… ở Si Ma Cai, Chiềng Khương, Bát Xát này hiểu rõ: Rừng có ma, nhà có chủ. Họ tâm niệm, đất quê hương mình dù còn nghèo khó nhưng là đất của cha ông bao đời để lại.
“Máu, mồ hôi, nước mắt bao đời đã đổ xuống đất này, dễ gì cứ nói đi là đi được, nói bỏ là bỏ được đâu. Tôi chỉ có 1 đứa con trai duy nhất và tôi luôn bảo với con rằng: Phải học cho giỏi để sau này mang kiến thức về cái bản mình, cái xã mình, làm cho xã bản giàu lên, làm cho Si Ma Cai đẹp lên”- anh tâm sự…
Quân với dân cùng một ý chíTuy mới bước vào tuổi 48 nhưng trông ông Lý A Xè ở bản U Ly Chải, xã Dào San, huyện Phong Thổ, Lai Châu như đã ở tuổi 60. Lý giải về cái sự “già trước tuổi” của mình, ông Xè bảo: “Mình khổ từ bé rồi. Lúc đang tuổi ăn, tuổi học thì giặc Tàu (quân xâm lược bành trướng Bắc Kinh-1979) đánh sang.
Người lớn thì đi làm dân công, du kích, giúp bộ đội bảo vệ biên cương. Chỉ có người già, con trẻ ở lại rừng, đói thì ăn củ mài, củ nâu, khổ lắm. Hết chiến tranh thì mình phải lấy vợ, đẻ con sòn sòn, mắc nghiện ma túy nữa. Nếu không có bộ đội biên phòng giúp cai nghiện, bảo cách làm nương, dựng lại nhà cửa, xóa mù chữ… thì chắc bây giờ mình lại vào rừng ở. Bộ đội ở đây tốt lắm, là người thân của bản mình đấy”.
"Dẫu còn có những vất vả, khó khăn; dẫu đôi nơi vẫn còn bữa no, bữa đói nhưng bà con các dân tộc luôn gắn chặt đời mình với quê hương, làng bản, tức là hậu phương trực tiếp của chúng tôi luôn vững vàng. Điều ấy làm cho những người lính chúng tôi thêm vững tâm, chắc tay súng hoàn thành nhiệm vụ trong mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh…”. Thượng tá Hoàng Văn Mạnh
|
Cũng như ông Xè, ông Tráng A Say cùng bản U Ly Chải, khi nói về các đơn vị bộ đội từng đứng chân trên mảnh đất này đều khâm phục: “Bộ đội đến đây bảo vệ biên cương và bảo vệ nhân dân, đánh cả giặc xâm lược và giặc đói, giặc dốt, giặc rét đấy. Bộ đội bảo ta phải bám lấy quê hương, không di cư tự do, không nghe lời kẻ xấu; trồng ngô, cấy lúa, nuôi trâu bò… làm giàu trên đất của mình”.
Nói về lòng dân biên giới, thượng tá Hoàng Văn Mạnh-Đồn trưởng Đồn Biên phòng Dào San, bảo: “Tôi đã đi dọc biên giới phía Bắc của Tổ quốc, từ Cao Bằng, Lạng Sơn cho tới Lai Châu này, ở đâu tôi và anh em chiến sĩ đều nhận ra rằng: Lòng dân biên giới gắn chặt với đất của cha ông, của Tổ quốc”.
Nghe anh Mạnh tâm sự, tôi thầm nghĩ: Vâng ! Đúng là khi quân với dân một ý chí thì biên cương thành lũy thép của Tổ quốc, cản phá bước tiến, đập tan ý đồ xâm lược của kẻ thù. Lịch sử ngàn năm của dân tộc Việt Nam vẫn thế.