Dân Việt

“Luật hóa” nghề giúp việc gia đình: Gia chủ, giúp việc đều thăm dò

Minh Nguyệt - Kim Oanh- Phúc Lâm 12/04/2014 10:09 GMT+7
Sau nhiều năm bàn thảo, cuối cùng Nghị định 27 quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về người giúp việc gia đình (GVGĐ) đã được ban hành.
Đây được xem như một tín hiệu tích cực để chuẩn hóa nghề GVGĐ. Tuy nhiên, sự lạ lẫm khiến cả gia chủ và NGV đều e dè.

Vừa vui vừa... ngại

Khá điềm đạm khi nghe thông tin này, chị Nguyễn Thu Thủy (CT2B Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội) khẳng định, về cơ bản chị ủng hộ Nghị định 27 vì “gia đình tôi hầu như đã đảm bảo được các quyền lợi cho NGV theo quy định, chỉ thiếu mỗi hợp đồng lao động. Cụ thể, lương NGV là 3,2 triệu đồng/tháng, bao ăn ở, 1 tháng về quê 4 ngày; ốm đau vặt tôi đưa đi viện và lo tiền thuốc, có tháng lương thứ 13...”.

NGV sẽ có môi trường làm việc chuyên nghiệp và được bảo vệ (ảnh minh họa).
NGV sẽ có môi trường làm việc chuyên nghiệp và được bảo vệ (ảnh minh họa).

Tuy nhiên, NGV của gia đình chị Thủy- bà Nguyễn Thị Hiền (quê Thái Bình) hiện đã 55 tuổi nên chị Thủy băn khoăn về khả năng mua BHXH và được hưởng lương hưu. “Theo quy định của BHXH, nữ đủ 55 tuổi, đóng BHXH đủ 20 năm mới có lương, giờ NGV nhà tôi không còn ở độ tuổi lao động để ký HĐLĐ, không thể mua BHXH, vậy chúng tôi có vi phạm pháp luật không?”- chị bày tỏ.

Cũng theo quan sát của chị Thủy, trong khu chị ở, NGV phần lớn đều đã lớn tuổi, thuộc diện khó mua BHXH như bà Hiền.

Nhiều chủ nhà khác cho biết, việc thuê người giúp việc cần phải có HĐLĐ. Nếu việc ký HĐLĐ được thực hiện, người thuê có thể biết nhà cửa, nơi ở, quê quán sẽ tốt hơn nhiều, không phải lúc nào cũng đề phòng NGV như lâu nay.

Ở tâm trạng NGV, bà Nguyễn Thị Minh và hàng chục phụ nữ làm nghề GVGĐ ở 24T2 (Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội) vui lắm. Họ cho biết thường phải làm việc bất kể giờ giấc, bị mắng mỏ mà không rõ lý do... Tuy nhiên, khi nói tới ký HĐLĐ để chính NGV cũng không được bất thình lình nghỉ “về cấy lúa” hay “về ăn giỗ” nữa thì bà Minh lại ngại ngần. Bà cũng cho biết thêm: “Nghe thì vậy, nhưng không biết gia đình họ có thực hiện không. Tôi cũng mới nói bóng gió với vợ chồng cô chủ nhưng họ đã gạt phắt đi, còn nói phiền hà, bác muốn tăng lương thì cứ nói, sao ký cọt HĐLĐ làm gì cho mệt”.

Chị Võ Thị Thủy (47 tuổi, quê Quảng Nam) - giúp việc cho một gia đình tại Đà Nẵng - cho biết, chị đã giúp việc cho 2 gia đình. Chị làm nhiều công việc khác nhau như trông trẻ, chăm người già ốm đau, đưa đón trẻ đi học, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, đi chợ, đấm lưng cho bà cụ… Một ngày làm việc của chị thường bắt đầu từ tờ mờ sáng và khi gia chủ đi ngủ, chị mới xong công việc của mình. Công việc chủ yếu là thỏa thuận miệng. “Nếu bây giờ mà được đảm bảo quyền lợi, ký HĐLĐ thì mừng biết mấy” - chị Thủy chia sẻ.

Chính quyền chờ... hướng dẫn

Theo Nghị định 27, UBND xã phường là đơn vị có trách nhiệm thực hiện nghị định này. Tuy vậy, không ít ý kiến tỏ ra lo ngại khi triển khai.

Điều tra của Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng công bố cuối năm 2013 về GVGĐ tại Việt Nam cho thấy, cả nước có khoảng hơn 211.000 người làm nghề GVGĐ. Đa phần GVGĐ là phụ nữ ở vùng nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, trình độ còn nhiều hạn chế nên họ thường chịu lép vế.

Bà Phan Thị Hải Yến – Phó Chủ tịch Phường Trung Hòa – quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho hay: “Lâu nay phường hoàn toàn không quản lý vấn đề này, không biết trên địa bàn có bao nhiêu GVGĐ. Giờ nếu có nghị định thì phải thực hiện thôi, nhưng thực hiện thế nào thì phường chưa biết vì chưa thấy công văn chỉ đạo hay hướng dẫn”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch phường Tứ Liên, Tây Hồ (Hà Nội) cho rằng: “Lâu nay phường chỉ tiến hành quản lý đối tượng NGV có đăng ký tạm trú tạm vắng. Nếu gia đình có NGV mà không đăng ký tạm trú tạm vắng thì phường cũng đành chịu”.

Ông Hùng cũng cho biết, trước đây khi công an phường vào kiểm tra, gia chủ chỉ khai là người thân trong nhà lên chơi. Giờ có nghị định quy định cụ thể việc ký kết hợp đồng phải báo cáo với phường xã… để quản lý, nhưng nếu họ từ chối phối hợp thì lấy chế tài nào để xử lý? “Nếu giờ thực hiện quản lý nhóm lao động này theo tinh thần Nghị định 27 thì chúng tôi cần phải có hướng dẫn cụ thể”- ông nói.

Ông Trần Minh Đường- Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Bình (quận Hải Châu, Đà Nẵng) cũng cho biết, phường chỉ tuyên truyền đến người dân, chứ không thể quản lý được nếu NGV không thông báo, đăng ký thông tin với phường. Về người sử dụng lao động, nhiều khi ngại phiền phức, lơ được là họ lơ chứ không hợp tác. Vì thế, việc đầu tiên là cần tuyên truyền để cả gia chủ và NGV hiểu chính sách và thực hiện.

Quyền lợi đi đôi với trách nhiệm

Nhận định về Nghị định 27, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng - chuyên viên Bộ LĐTBXH cho rằng: Nghị định 27 là rất tích cực, điều này giúp người sử dụng lao động và NGV có cái nhìn đúng, xem GVGĐ là một nghề. Chỉ khi hai bên chịu thừa nhận nhau thì mới cải thiện được mối quan hệ trong lĩnh vực lao động, việc làm được xem là có nhiều nhạy cảm này.


Nghị định 27 ra đời một lần nữa khẳng định GVGĐ là một nghề đã được Nhà nước thừa nhận công khai. Vì được pháp luật điều chỉnh nên quyền lợi của cả người NGV và người sử dụng đều sẽ được bảo vệ.


Nghị định là đúng đắn, vấn đề là người sử dụng lao động và NGV cũng cần nhìn nhận chính sách này thật khách quan. NGV muốn được pháp luật bảo vệ cần phải tuân thủ Luật Lao động, phải xem công việc mình làm là một nghề. Khi đã xem nó là một nghề thì phải làm việc chuyên nghiệp, không nên có thái độ thích thì làm, không thích thì thôi. Bản thân NGV cũng cần phải hiểu rằng, không thể có quyền lợi khi chưa hoàn thành tốt trách nhiệm của mình.


Về phía người sử dụng lao động cần chấp hành luật, tuy nhiên cũng cần phải có những thông cảm với NGV để tạo một môi trường làm việc thân thiện.


“Thông thường nghị định mới ra đời sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai, vì vậy Bộ LĐTBXH sẽ phối hợp các bộ, ngành có liên quan ban hành các thông tư hướng dẫn kèm theo hướng dẫn người dân, đơn vị quản lý trong việc thực hiện. Đặc biệt, sẽ có hướng dẫn cụ thể về cách thức xử lý nếu có cá nhân, tổ chức vi phạm luật” - bà Hồng nói.
Nguyệt Tạ (ghi)

Quyền lợi của người giúp việc:


Thỏa thuận về tiền lương, điều kiện ăn ở, tiền tàu xe; trách nhiệm bồi thường do gây thiệt hại về tài sản của người sử dụng lao động, các hành vi nghiêm cấm…


Tiền lương do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.


NGV làm việc ngoài thời gian ghi trong hợp đồng lao động, làm việc vào ngày nghỉ lễ, ngày tết… thì được trả tiền lương làm thêm giờ theo quy định tại Điều 97 của Luật Lao động.


Gia chủ có trách nhiệm hỗ trợ tiền đóng BHXH bắt buộc, BHYT cho NGV cùng lúc với kỳ trả lương.


Về thời gian làm việc, nghỉ ngơi do hai bên thỏa thuận nhưng NGV phải được nghỉ ít nhất 8 giờ/ngày; mỗi tuần nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục hoặc bình quân ít nhất 4 ngày/tháng.


NGV làm đủ 12 tháng làm việc thì sẽ được nghỉ 12 ngày/năm, hưởng nguyên lương.


Nghị định có hiệu lực từ 25.5.2014


Trích Nghị định 27/2014/NĐ-CP