Từ những thói quen, phong tục, thậm chí là nét đẹp văn hóa, nhưng khi đẩy lên quá mức rất dễ gây cảnh “dở khóc dở cười”.
Nỗi lo từ gói bánh, đụng lợnTừ sáng 28 Tết (28.1), Nguyễn Văn H, giảng viên của một trường cao đẳng ở Hà Nội bị ông và bố “bắt” về quê ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) phụ một tay… mổ lợn đụng. Con lợn được gia đình nuôi từ tháng 4.2013, tới khi mổ đã nặng hơn 80kg mà chỉ có 4 nhà ăn đụng. Tính ra mỗi nhà một đùi (theo cách tính ở quê) là khoảng 20kg lợn hơi. H cho biết, ngày mổ lợn hàng năm bao giờ cũng là ngày đông vui nhất vì các gia đình đụng lợn đều tới tham gia chia phần rồi làm lòng lợn ăn, nhưng năm nay 2/3 gia đình ăn đụng cũng bận đi… đụng thêm ở chỗ khác cho nên chỉ có 3 bố con anh xoay trần mổ lợn.
Lợn mổ ra, lòng không có người ăn bỏ riêng một góc. Phần lợn chia cho các gia đình gói ghém cẩn thận, còn lại nhà anh gói giò, gói bánh chưng. Bố anh gói giò chia cho 3 anh em, mỗi người tới gần 1kg để “lúc nào đi Hà Nội thì mang đi”, khoảng 3kg thịt được cắt ra cùng gần 12kg gạo nếp gói bánh chưng, cũng để “lúc nào đi cho mỗi đứa 2-3 cái”. Số còn lại, xương để nấu măng, khoai tây, thịt để nướng nhưng vẫn không hết được gần 8kg thịt nên tất cả được “tống” vào tủ lạnh, tủ đá.
Tới ngày 30 Tết, 3 con gà được “hóa kiếp”, 1 con ăn Tất niên, 2 con cúng giao thừa. “Không năm nào ăn hết được thịt gà, nhưng gia đình vẫn phải thịt vì phải cúng tổ tiên, cúng ngoài trời. Cỗ bàn ê hề”- anh H than thở.
Kết quả là mùng 4 Tết rời quê đi Hà Nội, hành trang H mang theo là cây giò, 3 cái bánh chưng (đã bắt đầu mốc), một con gà và rau sạch vườn nhà. Không mang đi thì ở nhà chỉ có 3 ông bà già (bố mẹ anh và ông nội), không thể ăn nổi, mà mang đi thì xuống đây mấy ngày đầu xuân cũng đi ăn với bạn bè, chơi Tết nên không mấy khi anh đụng đũa. Kết quả là bánh chưng, giò bỏ mốc. H nói: “Năm nào tôi cũng bảo bố, ông là gói ít bánh, làm ít thịt thôi, nhưng thói quen bao năm nay, ở quê khó bỏ lắm”.
Thịt lợn đụng được chia thành từng rổ cả chục kilôgram, nhưng chưa có người lấy.
Chỉ cách một con sông, bên này là các xã Châu Sơn, Phú Phương, Tản Hồng… (huyện Ba Vì, Hà Nội) cũng có phong tục ăn đụng. Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Đảng ủy xã Châu Sơn cho biết, người dân trong xã phần lớn là ăn lợn đụng ngày Tết. Phần vì truyền thống, phần vì giá thịt lợn hơi quá rẻ.
Ông Lê Văn Đông, một người dân trong xã cho biết: “Lợn hơi bắt tại chuồng là 40 (40.000 đồng/kg - PV), 3-4 nhà ăn đụng một con lợn 60kg, tính ra tiền chỉ khoảng 2,4 triệu đồng, chia 3-4 nhà hết khoảng 600.000-800.000 đồng. Nếu đi chợ, chừng đó tiền chỉ mua được khoảng 6-7kg thịt lợn, không đủ gói giò, gói bánh, làm nem… nên người dân ăn đụng hết”.
Tuy nhiên, sau khi ăn đụng, ông Đông cũng bày tỏ thịt lợn, bánh chưng nhà ông phải ăn tới… hết rằm tháng Giêng mới hết. “Nhà nào cũng thế, xưa không có tủ lạnh thì muối thịt ăn dần, giờ có tủ lạnh nên cũng đỡ” - ông nói. Những năm trời nóng như năm nay, bánh chưng làm 20-30 cái không thể để tủ lạnh, ông vẫn phải để ngoài trời, và bánh bị mốc, hỏng.
Ở nhiều vùng quê khác không ăn đụng thì các bà nội trợ vẫn phải lo trữ thật nhiều thực phẩm. Chị Phùng Thị Hà (Phủ Lý, Hà Nam) cho biết: “Chợ quê ngày mùng 2 Tết trở đi mới mở hàng, mà giá cả ngày đầu năm bao giờ cũng đắt đỏ, trong khi phong tục phải làm cơm cúng cho tới ngày hóa vàng, cộng với nhà lúc nào cũng phải sẵn mâm cơm để mời khách, không chuẩn bị đủ thực phẩm thì dông cả năm”. Vì thế, dù vất vả, khó khăn nhưng ngày Tết gia đình chị mua tới 5-7kg thịt là bình thường, chưa kể các loại đồ khô, giò chả. Nhưng, nhiều khi cả nhà đi ăn Tết nhà khác, kết quả là thực phẩm nhà mình bỏ phí. Chị chép miệng: “Chỉ nhà nào đông người, nhiều thanh niên mới ăn được hết đồ Tết”.
Sau Tết, gia đình bạn có phải vứt bỏ thức ăn thừa?
|
“Quê tôi ở Hạ Long (Quảng Ninh), hầu như năm nào Tết cũng bị sếp “gạ” tặng các loại hải sản. Chỉ cần tặng 1kg tôm với 1kg chả mực cũng đã hết gần 1 triệu đồng. Các nhân viên khác cũng hay tặng đặc sản, không hiểu nhà sếp ăn kiểu gì”.
Chị Nguyễn Thanh Th - nhân viên một công ty truyền thông
|
Khốn khổ vì đồ biếuĐó là nỗi lòng của không ít “ông chủ nhỏ”. Anh Phùng Ngọc Đ - chủ một doanh nghiệp thương mại nhỏ ở Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội) có chừng 30 nhân viên. Ngày Tết, anh thường nhận được khoảng… 10 con gà biếu, 5-6 cây giò lụa. Chưa kể có nhân viên còn biếu lợn Mán, thịt đà điểu…
“Nhà tôi chật, không có vườn để thả gà nên thường biếu lại bố mẹ”, anh nói. Tuy nhiên, Tết Giáp Ngọ này, nhân viên biếu hơi… muộn. Kết quả là anh phải cấp tốc mang ra chợ thuê mổ 6 con gà rồi nhét hết vào tủ lạnh ăn dần. 6 con gà, cộng với khoảng 10kg lợn mán ăn đụng, 3 cây giò, 2kg thịt đà điểu được biếu dẫn tới tủ lạnh nhà anh quá tải.
“Năm nào đông khách khứa thì giải quyết hết, nhưng năm nay kinh tế khó khăn, Tết nhất mọi người cũng ngại đi lại, thăm nhau nên giờ tủ lạnh nhà tôi vẫn còn chật cứng. Giò đã phải cho bớt, không là thiu” - anh Đ nói.
Thực phẩm dân dã, đồng quê cũng là “mốt” tặng quà năm nay khiến nhiều tủ lạnh quá tải. Chị Bùi Thị H, vợ một Phó Giám đốc sở cho biết, năm nay kinh tế khó khăn, nhân viên, doanh nghiệp biếu chủ yếu là thực phẩm, sang thì có yến sào, thịt trâu, thịt hươu gác bếp, cá trắm giòn tới các loại chả như chả mực, chả cá, bánh tẻ, bánh giò, bánh chưng, măng khô, nấm hương rừng… Như Tết này, ngoài các loại thực phẩm ngon, lạ, gia đình chị nhận được món quà là con cá trắm nặng 7kg mà “chưa biết làm cách nào để ăn hết”.
Vài năm gần đây, các loại lợn rừng, lợn Mán, lợn Mường dùng làm đồ biếu cũng nở rộ. Anh Hà Văn Quang (thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) cho biết, khu vực các xã lân cận quanh nơi anh ở gần Tết xe lên bắt lợn rầm rập. “Hầu hết các gia đình chung nhau ăn đụng lợn Mán, hoặc mua về biếu, nhiều lắm. Có người mua tới 2-3 con chỉ để biếu” - anh nói.
Anh Vũ Văn Ngọc, nhân viên công ty Viettel cũng thừa nhận thực tế này. “Khoảng 2-3 năm gần đây, đội của tôi thường đặt mua ít nhất 3-4 con lợn Mán xẻ thịt biếu người thân và bạn bè. Giá lợn Mán cũng dễ chịu, khoảng 130.000 đồng/kg, một con lợn cũng chỉ hơn 2 triệu đồng”.
Ngoài tặng sếp, người dân cũng có tâm lý mua các loại quà là thực phẩm tặng bố mẹ, ông bà. Trên đường quốc lộ 32 chạy về Phú Thọ sáng 28 Tết rầm rập các loại xe máy của dân lao động trở về quê. Xe nào cũng nặc nè đồ đạc, cả đồ ăn và bánh kẹo.
Thế nhưng, món ngon tới đâu ăn tới bữa thứ ba, thứ ba đã ngấy. Anh Ngọc than thở: “Tới ngày mùng 3 Tết, tôi chỉ mong có đĩa rau luộc ăn thôi, không thịt thà cá mú gì cả”.