Dân Việt

Lo cúm gia cầm “theo chân” vịt chạy đồng

Trước tình hình dịch cúm gia cầm đang bùng phát ở nhiều nơi, vịt chạy đồng đang trở thành mối lo vì có thể làm lan truyền virus cúm gia cầm đi nhiều nơi.
Chạy đồng giữa mùa dịch

Nuôi vịt chạy đồng là một phương pháp chăn nuôi truyền thống được xem là hiệu quả của nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do tận dụng được lượng lúa rơi vãi sau mùa gặt. Những này này, phóng viên NTNN khảo sát ở 2 tỉnh có số đàn vịt chạy đồng lớn nhất ĐBSCL là Đồng Tháp và An Giang cho thấy, hiện số lượng đàn vịt chạy đồng đang tăng lên và di chuyển nhanh hơn để theo tiến độ thu hoạch lúa đông xuân. Những vùng nào có diện tích thu hoạch lúa đông xuân lớn thì nơi đó càng có nhiều vịt chạy đồng.

Gặp nông dân tên Hậu đang lùa đàn vịt hơn 2.000 con ở một cánh đồng thuộc huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, anh cho biết, cùng với anh còn có vài người nữa ở Long An đang “chạy đồng” xuống đây. Khi được hỏi thông tin về dịch cúm gia cầm, anh cho biết “thì mình nghe thấy chỗ nào có dịch sẽ không đưa xuống đó nữa, mà cứ đi ra khỏi vùng có dịch cho chắc ăn”. Nếu ở Long An, Tiền Giang, Cần Thơ… số lượng đàn vịt chạy đồng giảm đi, ngược lại ở Đồng Tháp, An Giang số lượng đàn vịt chạy đồng đang tăng lên từng ngày.

Ông Võ Bé Hiền - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Tháp cho biết, đến cuối tháng 1.2014, ngành thú y tỉnh đã tiêm ngừa bệnh cúm cho đàn gia cầm với hơn 1 triệu liều vaccine, tính trung bình số lượng gia cầm được tiêm phòng đạt 40-50%. Điều đáng lo ngại theo ông Hiền là tỷ lệ gia cầm trên địa bàn được tiêm ngừa đang giảm, vì số lượng gia cầm (chủ yếu là vịt chạy đồng) chưa được tiêm ngừa thâm nhập vào tỉnh đang tăng lên nhanh.

Theo ông Hiền, các địa phương có diện tích lúa thu hoạch nhiều như Tháp Mười, Lấp Vò… đã phát hiện nhiều đàn vịt chưa tiêm ngừa (chưa có sổ chứng nhận tiêm ngừa), khi phát hiện chúng tôi kiên quyết đẩy đuổi ra khỏi địa bàn nhưng họ vẫn lén lút trở lại, đồng rộng rất khó kiểm soát. “Mặc dù hiện nay chưa có dịch nhưng tình hình này khiến nguy cơ lây nhiễn cúm rất cao” - ông Hiền cảnh báo.

Muốn tiêm cũng không có vaccine

Thực tế, không phải nơi nào cũng duy trì nuôi vịt chạy đồng, mà chuyển sang nuôi tại chỗ cho an toàn hơn. Bà Lương Sơn Thủy - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Long Xuyên (An Giang) cho biết: “Nông dân nuôi vịt chạy đồng bây giờ đa số chuyển sang nuôi tại chỗ, hoặc nuôi theo dạng sinh học vì họ lo sợ dịch bệnh, thua lỗ”.

"Hiện vụ lúa đông xuân ở trong tỉnh đang bắt đầu thu hoạch, sẽ thu hoạch rộ trong nay mai, vịt chạy đồng cũng đang rộ đồng, chúng tôi rất lo ngại nguy cơ lây nhiễm theo con đường này”.
Bà Phạm Thị Hòa - Phó Giám đốc Sở NNPTNT An Giang      

Theo ghi nhận của chúng tôi, không riêng gì TP. Long Xuyên, ở nhiều nơi trong tỉnh An Giang, nhiều người nuôi vịt đã chuyển sang hình thức nuôi tại chỗ. Nhưng những hộ chăn nuôi này cũng đang lo lắng, vì những bầy vịt chạy đồng chung quanh họ đổ về đây khá nhiều, làm tăng nguy cơ lây dịch cúm.

Một nỗi lo khác của người chăn nuôi vịt hiện nay là thiếu vaccine để tiêm ngừa cho vịt. Chị Võ Thị Kim Chi ở ấp Bình Hòa 2, xã Mỹ Khánh, TP.Long Xuyên cho biết, đàn vịt gần 1.700 con của chị đã được tiêm ngừa 2 đợt, chuẩn bị vài tuần nữa khi lúa ở trong tỉnh thu hoạch rộ thì vợ chồng chị sẽ cho vịt chạy đồng. “Nhưng vợ chồng tôi đang lo quá vì bầy vịt tôi sau 6 tháng còn phải chích một đợt nữa, không biết lúc đó thuốc có lên giá”- chị Chi nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, còn rất nhiều hộ cùng trong ấp của chị Chi có nhu cầu chích tiêm ngừa cho vịt nhưng ngành thú y cho biết là đã hết thuốc. Ông Võ Văn Nhanh ở ấp Bình Hòa 2, nuôi hơn 1.000 con vịt đẻ theo hình thức tại chỗ đã được hơn 4 tháng tuổi. Đưa chúng tôi đi xem đàn vịt đẻ, ông Nhanh tâm sự: “Tôi trông từ hôm tết tới giờ nhưng mấy chú (cán bộ thú y) ở xã bảo là đã hết thuốc (vaccine ngừa bệnh cúm gia cầm), cứ thế này lúc nào cũng lo vịt bị bệnh”.

Anh Nguyễn Ngọc Thao cũng ở ấp Bình Hòa 2 cho biết vừa mua vaccine ở bên ngoài về để tiêm cho đàn vịt chuẩn bị chạy đồng. “Tôi mua 33 chai thuốc, giá 20.000 đồng/chai ở cửa hàng thuốc thú y TP.Long Xuyên. Tự mua cho rồi chứ chờ mấy ổng (thú y xã) không biết khi nào mới có”. Ông Dương Văn Quốc - cán bộ thú y xã Mỹ Khánh, TP.Long Xuyên giải thích: “Hiện nay đã hết thuốc, cán bộ thú y xã hướng dẫn người dân đi mua về tự tiêm (hoặc nhờ cán bộ thú y tiêm) dưới sự giám sát của cán bộ thú y. Người dân tự mua thì tốn tiền nên họ ngán ngại”. Cũng theo ông Quốc, hiện ở xã có khoảng chục đàn vịt chạy đồng và một nửa đã chạy đồng xa...

Đồng bằng sông Cửu Long: Xuất hiện nhiều điểm nóng


Cần Thơ là địa phương mới nhất đã có quyết định công bố dịch CGC tại xã Tân Thới, huyện Phong Điền. Ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú ý TP.Cần Thơ cho biết, trong 3 ngày liên tiếp 18 -20.2, trên địa bàn thành phố xuất hiện 3 ổ dịch. Dự kiến trong vài ngày tới Cần Thơ sẽ công bố ổ dịch tại quận Bình Thủy và Ô Môn. Chi cục Thú y tỉnh Cà Mau cũng cho biết, trong 10 ngày trở lại đây đã có 3 ổ dịch được phát hiện trên địa bàn tỉnh. Ổ dịch phát hiện gần đây nhất ngày 12.2, tại xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời; 2 ổ khác tại xã Khánh An, huyện U Minh và xã An Xuyên, TP.Cà Mau.


Tại Bạc Liêu, dịch cúm gia cầm cũng diễn biến hết sức phức tạp, liên tiếp phát hiện nhiều ổ dịch cúm gia cầm với hàng nghìn con gia cầm đã tiêu hủy. Mới đây, Chi cục Thú y tỉnh phát hiện tại 2 hộ ở ấp Ninh Chài và ấp Ninh Thạnh, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân có 2 đàn vịt với 2.390 con mắc cúm A/H5N1.
Hồng Cẩm - Hoàng Hạnh