Dân Việt

Hiểu đúng thì lễ hội mới bớt phản cảm

Thanh Hà (thực hiện) 18/02/2014 06:51 GMT+7
Đợt cao điểm của mùa lễ hội 2014 đã tạm lắng nhưng ấn tượng của những hình ảnh phản cảm, xô bồ, nhếch nhác vẫn khiến nhiều người phiền lòng. Phóng viên NTNN trao đổi với ông Ngô Hoài Chung về vấn đề này.
Năm nào cứ đến mùa lễ hội, là người dân lại bức xúc với những tệ nạn. Và đầu năm Giáp Ngọ này, tại các lễ hội cũng vẫn xảy ra rất nhiều bức xúc như rải tiền lẻ, cướp lộc, “chặt chém”…Thưa ông, Bộ VHTTDL đã có những tổng kết sơ bộ gì về lễ hội đầu năm?

Ông Ngô Hoài Chung
Ông Ngô Hoài Chung

- Lễ hội luôn được Bộ VHTTDL quan tâm và với trách nhiệm của một cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, lễ hội, trước hết Bộ đã tham mưu cho Chính phủ, ban hành những văn bản chỉ đạo lễ hội. Trong năm vừa qua thì có chỉ thị, Công điện 163 đề cập và làm rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền, các ngành có liên quan đến lễ hội. Đồng thời trước, trong và sau tết, bộ trưởng và các thứ trưởng đã đi kiểm tra các lễ hội ở một số tỉnh thành.

Qua công tác kiểm tra, thanh tra sơ bộ ban đầu về lễ hội đầu năm 2014, Bộ đánh giá sơ bộ như sau: Về cơ bản trong việc tổ chức, quản lý lễ hội năm nay có sự chuyển biến tích cực, tốt hơn so với những năm trước. Tuy nhiên không tránh khỏi còn có một vài trường hợp cá biệt vẫn còn có những biểu hiện tiêu cực trong quản lý và tổ chức như báo chí đã nêu. Và Bộ VHTTDL tới đây sẽ kiên quyết không để tái diễn, đặc biệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội. Nêu cao vai trò ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia lễ hội.

Dù đã chấn chỉnh nhưng trên thực tế, sự việc đổi tiền lẻ vẫn đang diễn ra ở nhiều khu di tích cũng như ở các lễ hội. Nhiều người trong Ban quản lý của di tích và lễ hội lại có quan điểm cho rằng đấy chỉ là những khuyến cáo thay vì là quy định, nghiêm cấm bắt buộc...

- Việc hạn chế đổi tiền lẻ là trọng điểm chỉ đạo của Bộ VHTTDL trong mùa lễ hội năm nay. Qua những chuyến đi kiểm tra thực tế vừa qua trên 4 di tích, đền, chùa tại Lạng Sơn, chúng tôi thấy năm nay, việc đổi tiền lẻ công khai bày tủ kính, bàn ghế đã không còn ở những nơi trọng điểm, mà chỉ xuất hiện nhỏ lẻ, cầm tay của một số người mà thôi. Khi tôi hỏi một số người tại sao vẫn còn diễn ra tình trạng đổi tiền lẻ, thì họ giải thích năm nay việc ban hành văn bản cấm đổi tiền lẻ ra quá muộn, trong khi một số người dân đã đầu tư, nhanh tay đổi rất nhiều tiền lẻ để phục vụ bà con đi lễ hội.

Ông Ngô Hoài Chung cho rằng: “Những người đứng đầu cơ quan quản lý phải có sự hiểu biết sâu, rộng và có tri thức về lễ hội. Phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành mới góp phần tạo nên thành công cho các mùa lễ hội”.

Quan điểm của Bộ là không thể giải quyết triệt để ngay được, mà cố gắng hạn chế tới mức cao nhất chuyện đổi tiền lẻ tại các di tích đền, chùa, lễ hội. Và tôi tin chắc đây là năm đầu tiên đã ban hành quy chế không đổi tiền lẻ, mà đã hạn chế được như vậy thì sang năm, kết hợp giữa tuyên truyền, vận động cùng công tác quản lý chặt hơn, sẽ còn giảm hơn nữa việc đổi tiền lẻ.

Theo Giáo sư Ngô Đức Thịnh, lễ hội bây giờ không còn theo tín ngưỡng trong sáng như cha ông ngày xưa, mà lễ hội nhuốm màu trục lợi dẫn đến tình trạng lộn xộn, bát nháo. Ông nghĩ như thế nào về ý kiến này?

- Tôi đồng tình với ý kiến của giáo sư, rằng có rất nhiều người khi đến lễ hội nhưng không hiểu hết ý nghĩa, giá trị của di dích, của lễ hội mà chủ yếu đi theo phong trào, xu hướng, thời thượng bây giờ. Chúng ta nên tuyên truyền về mỗi lễ hội với những giá trị lịch sử, ý nghĩa của nó để người dân có thể hiểu được giá trị đích thực văn hóa của lễ hội, của di tích. Có như vậy thì tâm thế, cũng như hành vi của người đi lễ hội mới phù hợp với lễ hội.

Nhiều khi vì cơ chế thị trường đồng thời kiến thức về di tích, tâm linh về lễ hội còn khiếm khuyết, chưa đầy đủ, dẫn đến hành vi đi lễ hội chưa đúng, thậm chí người đi lễ hội lẫn người tổ chức lễ hội còn lợi dụng hành vi đó để trục lợi riêng cho bản thân họ trong mỗi mùa lễ hội. Khi nào lễ hội được hiểu đúng bản chất, khi đó mới bớt đi những hình ảnh phản cảm.

Xin cảm ơn ông!