Dân Việt

Tội phạm tham nhũng hưởng án treo quá nhiều

Hải Phong 05/09/2013 06:16 GMT+7
Ngày 4.9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã hoàn thiện dự thảo báo cáo giám sát “việc chấp hành pháp luật trong xử lý tội phạm về tham nhũng và chức vụ”, dự kiến sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp sắp tới.
Đa phần các ý kiến đều chung một nhận định: Tội phạm tham nhũng hưởng án treo quá nhiều nên chưa tạo được sự răn đe.

Báo cáo giám sát của Ủy ban Tư pháp cho biết, tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung với các vụ án tham nhũng, chức vụ còn nhiều. Có những vụ án trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần mà vẫn chưa thống nhất được tội danh, hình phạt, đường lối xử lý, làm kéo dài thêm quá trình giải quyết.

Một số vụ sau khi trả hồ sơ điều tra bổ sung thường được chuyển sang tội danh khác có khung hình phạt nhẹ hơn, hoặc thậm chí là miễn trách nhiệm hình sự, gây bức xúc trong nhân dân. "Đây là biểu hiện của việc xét xử chưa nghiêm minh, chưa phúc đáp được yêu cầu của nhiệm vụ chính trị là phải xử lý thật nghiêm minh với loại tội phạm này... Nhất là trong tình hình tham nhũng đang rất nghiêm trọng, phức tạp như hiện nay", đoàn giám sát đánh giá.

Góp ý vào dự thảo báo cáo, các thành viên Ủy ban Tư pháp đều chung quan điểm, hầu như rất nhiều vụ việc tham nhũng chủ yếu chỉ được phát hiện và xử lý từ thông tin trên báo chí hoặc trong dư luận chứ không phải từ các cơ quan kiểm tra, thanh tra.

Ông Nguyễn Mạnh Cường (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp) nhận định, rõ ràng đây vẫn là vấn đề đáng phải suy nghĩ. “Nhiều năm qua, hầu như chỉ có báo chí và dư luận nhân dân mới phát giác được tham nhũng. Còn các vụ việc do nội bộ tự phát hiện hoặc từ cơ quan kiểm tra thường rất ít. Nguyên nhân do nghiệp vụ phát hiện tham nhũng có vấn đề, do bất cập ở khâu nào hay có sự nể nang?", ông Cường đặt nghi vấn.

Ông Cường kể lại, đoàn đi giám sát địa phương vừa rồi mới phát hiện ra có những tỉnh như Ninh Bình, hai năm xử được 9 bị cáo về tội tham nhũng thì đến 8 người được hưởng án treo (?). Nhiều vụ tương đối nghiêm trọng song tòa án vẫn vận dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ để làm cơ sở để cho án treo. Chẳng hạn, nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự... “Việc phát hiện tham nhũng vốn đã khó, việc "xử" tham nhũng cũng không dễ. Vì thế người dân chưa mấy hài lòng”, ông Cường đánh giá.

Nhiều thành viên khác cũng bức xúc trước tình trạng tòa cho hưởng án treo quá nhiều đối với các bị cáo thuộc nhóm tội tham nhũng. Thậm chí, nếu không phải án treo thì các hình thức xử phạt khác cũng tương đối nhẹ, có phần nương tay. "Có tình trạng hễ đụng đến án tham nhũng là hồ sơ trả qua, trả lại, có chuyện nể nang, né tránh. Nhiều vụ việc ban đầu nghiêm trọng, phức tạp nhưng khi xử lý lại thành đơn giản, nhẹ nhàng", ĐB Nguyễn Thái Học nêu ý kiến.

Nhìn nhận chung về dự thảo báo cáo vừa được hoàn thiện, chính Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng phải thừa nhận: “Đọc và so sánh lại với cuộc giám sát của UBTVQH năm 2008 thì hầu như tất cả nguyên nhân, tồn tại, giải pháp đều gần giống y như báo cáo hôm nay. Thanh tra vẫn nhiều mà sao số vụ việc bị xử lý thì vẫn ít? Đa số các vụ đều xử án treo" (?) Bà Nga cũng đề nghị xem lại kỹ nhận định "tội phạm tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp".

Bởi theo bà Nga, thực chất, các vụ tham nhũng lớn đúng là rất khó để phát hiện, nhưng riêng các vụ tham nhũng vặt thì chỉ cần chú tâm quan sát hiện tượng, hành vi... ở một vài cơ quan hay giao tiếp với dân là sẽ dễ dàng thấy ngay (nhất là chuyện lót tay phong bì trong bệnh viện hoặc cho CSGT). Bà Nga cung cấp thêm số liệu, có những tỉnh trong hai năm xử 3 vụ tham nhũng, 2 trong số đó bị cáo được hưởng án treo.

“Tình trạng cho bị cáo các vụ án tham nhũng hưởng mức hình phạt thấp hơn khung hình phạt truy tố và việc áp dụng nhiều lần các tình tiết giảm nhẹ để cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ đang chiếm tỷ lệ cao, nhiều nơi việc tuyên dưới mức thấp nhất của khung hình phạt chiếm tới 80%. Thậm chí có nơi chiếm tỷ lệ 100%”.

(Trích dự thảo báo cáo giám sát)