Nỗi đau nhân đôi
Khoảng 18 giờ 45 ngày 4.10, chiếc xe khách giường nằm BKS 60B 00779, chạy theo hướng Gia Lai- Đăk Lăk, khi đến km 636+300 QL 14 (đoạn qua thị trấn Ea Drăng, huyện Ea HLeo) đã bất ngờ lật nghiêng. Vụ tai nạn đã khiến các nạn nhân Lý Hải Băng (SN 2010) và Lưu Thị Thanh (SN 1990, cùng ngụ huyện Chư Pưh, Gia Lai); Bùi Thị Loan (SN 1984) và Nguyễn Thị Yến Nhi (SN 2009, cùng thôn 6, xã Ia Băng, Đăk Đoa, Gia Lai), chết ngay tại chỗ. 18 người khác trên xe này bị thương, trong đó 4 người bị thương rất nặng.
Đưa nạn nhân vào bệnh viện cấp cứu. |
Theo Công an huyện Ea HLeo, chiếc xe trên do Trần Văn Hải (sinh năm 1979, ngụ Phú Thọ, xã Phú Cường, huyện Định Quán, Đồng Nai), điều khiển. Khi xảy ra tai nạn, trên xe có 32 người, trong đó có 29 hành khách. Anh Lê Công Khánh - một trong những người bị thương trong vụ tai nạn kể: “Xe đang chạy rất nhanh thì bất ngờ tài xế thắng gấp do gặp xe ngược chiều khiến chiếc xe lật ầm xuống lề đường”.
Ngay sau khi tai nạn xảy ra, cơ quan chức năng huyện Ea HLeo đã kịp thời có mặt để cứu hộ, cứu nạn. Nhưng tiếc thay, dù việc này có nhanh hơn nữa thì cũng đã muộn màng. Sáng 5.10, tại nhà nạn nhân Bùi Thị Loan, nỗi đau như bị nhân đôi khi gia đình chị cùng lúc phải làm tang lễ cho cả 2 người. Chị Loan cùng con gái Nguyễn Thị Yến Nhi đã vĩnh viễn ra đi trong chuyến xe định mệnh khi họ cùng nhau xuống Đồng Nai dự đám cưới… Bà Nguyễn Thị Thuận - bà ngoại cháu Nhi, đau đớn kể: “Nghe tiếng cháu kêu cứu, tôi ôm nó vào lòng, động viên nó bình tĩnh chờ người đến cứu. Nhưng máu nó cứ chảy dài trên mặt mà vẫn chưa thấy ai đến. Rồi nó chết ngay trên tay tôi”…
Những con số đau lòng
Theo con số thống kê của UBND tỉnh Đăk Lăk, chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã xảy ra 402 vụ tai nạn, làm 216 người chết và 460 người bị thương. Có 4 vụ đặc biệt nghiêm trọng làm chết đến 43 người, 164 vụ nghiêm trọng. Trong đó, chỉ riêng vụ tai nạn hồi giữa tháng 5 tại cầu Sêrêpôk đã cướp đi sinh mạng của 34 người.
Ông Đỗ Bình Chính - Phó Giám đốc Sở GTVT Đăk Lăk cho biết, nguyên nhân của mỗi vụ tai nạn khác nhau về tính chất vụ việc, nhưng đều có điểm chung là do ý thức của người tham gia giao thông quá kém. Riêng vụ việc tối 4.10, qua lấy lời khai của tài xế và các nhân chứng cho thấy phần lỗi thuộc về tài xế.
Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn kinh hoàng trên cầu Sêrêpôk, UBND tỉnh Đăk Lăk đã có chỉ thị về việc tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Chỉ thị này khẳng định, trật tự an toàn giao thông ngày càng diễn biến phức tạp đã trở thành vấn nạn. Chỉ thị kêu gọi các cấp, các ngành cùng toàn dân phải hành động quyết liệt để ngăn chặn hiểm họa này.
Sau khi chỉ thị này ban hành, một chuyển biến thấy rõ là trên dọc tuyến Quốc lộ 14, trạm chốt cảnh sát giao thông mọc lên nhiều hơn, nhưng lái xe thì vẫn phóng nhanh vượt ẩu mà điển hình là vụ tai nạn nói trên. Tai nạn xảy ra ngay tại thị trấn, nơi buộc tất cả các phương tiện tham gia giao thông phải giảm tốc độ, có đèn vàng cảnh báo.
Theo ông Chính, hầu hết các vụ tai nạn xảy ra đều không liên quan đến việc hư hỏng của Quốc lộ 14. Song trên thực tế, không phải đến bây giờ mà từ vài năm trở lại đây, cung đường này thực sự là ác mộng của các tài xế.
Duy Hậu - Quang Tạo - Quốc Dinh