Dân Việt

Vợ chồng cựu chiến binh “hai tốt”

07/10/2012 06:11 GMT+7
(Dân Việt) - "Vợ chồng tôi đều là bộ đội, trực tiếp chiến đấu trên những chiến trường ác liệt, chiến thắng kẻ thù bằng vũ khí giản đơn và tinh thần thép. Nay về với ruộng đồng, lại vượt qua khó khăn bằng tinh thần ấy" - ông Nguyễn Văn Bộ - cựu chiến binh (CCB) ở xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, Sơn La bảo vậy.

Vững tay súng

Dưới nắng chiều bàng bạc tiết thu ở bản Tự Nhiên, xã Đông Sang, chúng tôi tình cờ bắt gặp một lão nông đang mải mê chăm sóc vườn su su trĩu quả. Hỏi chuyện những gia đình lân cận mới biết đó là ông Nguyễn Văn Bộ - một cựu chiến binh "nhiều năng lực", bởi trong quân ngũ ông từng lên đến chức Đại đội trưởng khi đeo quân hàm thượng sĩ.

Khi ra quân, ông tình nguyện lên Sơn La xây dựng vùng kinh tế mới và liên tục làm cán bộ bản, xã; đã giữ chức Chủ tịch UBND xã Đông Sang tới tận năm 63 tuổi mới nghỉ hưu hồi năm 2010. Hiện nay, vợ chồng ông đang là một trong những hộ nông dân giỏi của mảnh đất này…

img
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Bộ chăm sóc vườn su su sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, cho thu nhập gần 70 triệu đồng/ năm.

Lân la trò chuyện, ông Bộ cho biết: Quê tôi ở mãi tận xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, Hà Nội. Tháng 4.1966, vừa mới 19 tuổi, tôi nhập ngũ. Đó là những tháng năm chiến tranh ác liệt nhất. Quân đội ngày ấy là một trường đại học tổng hợp, giúp chúng tôi nâng cao cả về thể chất, sức chịu đựng gian khổ; tư tưởng vững vàng, tinh thần bền bỉ, kỷ luật nghiêm, kỹ năng ẩn mình và chiến đấu, chiến thắng kẻ thù…

Ông được kết nạp vào Đảng tại chiến trường Lào năm 1968. "Cũng nhờ những cố gắng của bản thân và sự giúp đỡ của cấp trên, đồng đội, tôi trưởng thành và được thăng chức Đại đội trưởng Đại đội 3, Trung đoàn 19 của Sư đoàn 312. Khi đất nước thống nhất, tôi xin giải ngũ để về lo cho gia đình, bởi nhà tôi khi ấy có 3 anh em đều trong quân ngũ…".

Câu chuyện đang vui thì một phụ nữ xuất hiện. Ông Bộ bảo: "Vợ tôi đấy, bà ấy cũng là CCB thời chống Mỹ, là lính quân y thuộc Tổng cục Hậu cần. Ra quân gặp nhau, cùng là lính nên dễ đồng cảm. Thoắt cái mà đã gần 40 năm làm vợ, làm chồng…".

Không chịu phận nghèo

Khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra (2.1979), vợ chồng ông Bộ lại nằm trong danh sách những hộ đi xây dựng vùng kinh tế mới tại Mộc Châu, Sơn La. "Bao năm quân ngũ xa nhà, chẳng ai muốn rời quê hương, nhưng với tinh thần lính Cụ Hồ, vợ chồng tôi lại tiên phong cùng những cựu quân nhân khác lên đường. Năm 1980, chúng tôi đặt chân lên mảnh đất này trong cảnh hoang vu, bất đồng ngôn ngữ với người Thái, Mông, Mường sở tại. Bà con sống rất thật lòng nhưng nghèo lắm, vì trình độ canh tác quá lạc hậu…"- bà Xuyến - vợ ông Bộ kể.

Với tính chất "là hạt nhân xoá đói nghèo, lạc hậu, xây dựng đời sống mới ở nông thôn miền núi", vợ chồng ông Bộ cùng hơn 40 hộ khác tích cực khai hoang, xoá nghèo, đưa nếp sống mới vào với đồng bào bản địa. "Muốn họ làm theo mình thì mình phải học tiếng dân tộc, lân la làm quen tạo tình cảm, rồi làm thật tốt, sống thật gương mẫu là họ làm theo. Vì thế chỉ sau một thời gian, chúng tôi đã chiếm được tình cảm của bà con ở đây"- ông Bộ kể.

Ngày ấy, người dân sở tại cứ làm vài vụ nương, thấy năng suất thấp là lại bỏ nương, phá rừng làm nương mới. Hợp tác xã Tự Nhiên của ông Bộ có nhiệm vụ tạo nhận thức mới trong định canh, định cư và đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất, góp phần giữ dân không di cư tự do, giữ rừng không bị tàn phá bừa bãi, tạo hậu phương lớn mạnh cho biên cương.

Bà Xuyến nhớ lại: Việc đầu tiên phải làm là khai hoang ngay trên chính mảnh đất mà người dân đã bỏ canh tác vì đất bạc màu, rồi đưa giống ngô, lúa, đậu tương mới vào canh tác. Ngay vụ thu hoạch đầu tiên, người dân sở tại đã ngạc nhiên khi thấy chúng tôi có năng suất cao hơn cả trên đất mới của họ. Thế rồi chúng tôi hướng dẫn họ làm theo, bây giờ thì họ khá lắm rồi…

Để củng cố kinh tế gia đình và cũng khẳng định thêm tinh thần lính Cụ Hồ trên đất mới, vợ chồng ông Bộ lao vào làm việc hết mình. Do có uy tín nên ông Bộ nhanh chóng được cử tham gia cán bộ HTX, cán bộ bản, rồi lên xã làm việc nên chỉ có thời gian ít ỏi cho gia đình. Bà Xuyến một mình tần tảo với ruộng, nương, hết mùa ngô lại tra đỗ, làm vườn, chăn nuôi gà, lợn, trâu, bò… Bởi thế kinh tế gia đình bà ngay từ thời bao cấp đã vững vàng.

Cặp đôi “hai tốt”

Sang thời kỳ đổi mới, bà Xuyến tìm về quê học tập những kinh nghiệm làm ăn mới của người miền xuôi, mua các giống rau, giống cây, lợn nái lên Sơn La để sản xuất. "Hơn 10 năm nay, tôi đã chia hết đất cho các con, chỉ giữ lại cho mình 5.000m2 đất vườn này để trồng su su và cây ăn quả. Tuy diện tích ít ỏi, nhưng mỗi năm chúng tôi cũng có nguồn thu ngót trăm triệu đồng. Hai vợ chồng ăn tiêu chẳng hết bao nhiêu, cứ tích cóp gửi tiết kiệm, dành cho con cháu"- bà Xuyến kể.

Bà Hà Thị Len - dân bản Cóc Trong, xã Đông Sang cho biết: Ở Đông Sang này, ai cũng biết gia đình ông Bộ là đảng viên, cựu chiến binh gương mẫu. Những cái tốt, cái giỏi của họ đã giúp người Thái, người Mông ở đây thêm no ấm hơn”.

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh khu vườn nhà, ông Bộ bảo: Tôi là một trong những hộ trồng su su đầu tiên ở đất này. Khổ nỗi cái anh su su này phải có nhiều nước mới sống được; thế là phải đào mấy cái giếng, mua máy bơm, bơm nước hàng ngày. Su su gặp năm được mùa, được giá thì bằng cả chục lần trồng ngô.

Nhiều người gọi vui ông bà là “cặp đôi hai tốt” bởi không chỉ tốt nghề mà còn tốt bụng khi thường xuyên giúp đỡ bà con. Bây giờ thì cả cái bản này và nhiều hộ dân trong xã đã trồng theo; hình thành hẳn một khu cung ứng rau sạch cho Hà Nội. Làm rau nhiều mới thấy phụ phẩm của nó lãng phí, thế là tôi bung ra chăn nuôi lợn.

Những góc vườn, dải đất hẹp bỏ hoang thì cấy cây ngô, thả khóm bí xanh, bí đỏ vào để làm thức ăn nuôi lợn. Phân lợn đấy đưa ra bón cho rau, cứ khép kín vòng tròn trồng-bán-tận thu phụ phẩm-chăn nuôi, mỗi năm nhà tôi cũng xuất chuồng được gần chục tấn lợn hơi, thêm miếng ăn, miếng để…

Rẽ sang nhà chị Nguyễn Thị Tú ở giữa bản, chị bảo: "Khen vợ chồng ông Bộ thì khen đến già. Chúng tôi còn trẻ mà theo được vợ chồng ông ấy cũng hụt hơi. Ông bà ấy không chỉ làm kinh tế giỏi, mà sống cũng rất chan hoà, sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Các con của ông bà ấy, ai cũng trưởng thành và có thu nhập cao từ chăn nuôi, làm vườn, làm dịch vụ. Không có những hộ làm gương như gia đình ông Bộ thì mảnh đất này còn nghèo khó lắm".