Có khả thi, khó thực thi
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), năm 2011, Việt Nam nhập gần 8,9 triệu tấn thức ăn chăn nuôi (TĂCN), tăng 3 lần so với năm 2006. Để đáp ứng chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020, dự báo nhu cầu TĂCN là 27,4 triệu tấn (tăng 1,3 lần so với năm 2012). Như vậy, với tiềm lực ngành nông nghiệp hiện nay, chúng ta sẽ còn phải nhập nhiều hơn nữa nguyên liệu TĂCN, nhất là các loại giàu năng lượng như ngô, lúa mì, khô dầu đậu, tương.
Có thể sử dụng thóc, gạo thay thế ngô để làm TĂCN. |
Tuy nhiên, theo dự báo của Hội đồng Ngũ cốc quốc tế (IGC), nguồn cung về lương thực hiện đang gặp nhiều khó khăn, sản lượng ngô thế giới trong mùa vụ 2012-2013 sẽ giảm nhiều do thời tiết khô hạn ở một số quốc gia có diện tích sản xuất lớn như Mỹ, Ấn Độ.
Ước tính sản lượng toàn thế giới năm 2012 sẽ đạt 383 triệu tấn ngô, thấp hơn so với 875 triệu tấn năm 2011. Do thiếu hụt nguồn cung, hiện giá ngô đã tăng 64% so với giá cùng thời điểm (tính đến tháng 6) năm 2011. Dự báo sản lượng lúa mì cũng giảm xuống 662 triệu tấn so với 665 triệu tấn theo dự kiến.
Ông Nguyễn Xuân Dương- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: “Sự sụt giảm mạnh về sản lượng lương thực (ngô, lúa mì) trên thế giới như vậy, chắc chắn sẽ làm ngành sản xuất TĂCN trong nước ngày càng khó khăn để đạt mục tiêu và yêu cầu của ngành chăn nuôi giai đoạn tới”.
Trong khi đó, theo đánh giá của Bộ Công Thương, tình hình xuất khẩu gạo trong năm 2012 gặp nhiều khó khăn hơn trước, do nguồn cung từ các quốc gia xuất khẩu gạo cao hơn so với nhu cầu tiêu thụ gạo toàn cầu và dự báo vụ mùa bội thu tại các nước sản xuất. Hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ gạo trong nước đang có xu hướng chững lại.
“Để tránh nguy cơ mất thị trường xuất khẩu gạo, một mặt chúng ta cần áp dụng nhiều biện pháp tăng giá trị của hạt gạo và tìm những thị trường cao cho gạo thơm Việt Nam. Song đồng thời, chúng ta cũng cần tìm một chỗ đứng cho gạo chất lượng trung bình và thấp khi không xuất khẩu được hoặc xuất khẩu với giá thấp. Vì thế, cần tính đến sự cân bằng giữa nhập khẩu ngô, lúa mì và xuất khẩu gạo để ngành TĂCN chủ động được nguồn nguyên liệu”- ông Dương đề xuất.
Khó cạnh tranh về giá
Cho đến nay, việc nghiên cứu, đề xuất thay thế lúa, gạo làm TĂCN là hướng đi mới. GS Vũ Duy Giảng (Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội) cho rằng: “Xét về mặt dinh dưỡng và về cả giá cả, thóc gạo hoàn toàn khả thi trong việc thay thế ngô, mì đối với khẩu phần ăn của lợn, gia cầm”.
TS Trần Quốc Việt
Còn TS Trần Quốc Việt (Viện Chăn nuôi) đánh giá: “Việc sử dụng thóc làm TĂCN sẽ gặp nhiều thách thức, nhưng cũng mở ra không ít cơ hội. Bởi không có trở ngại về kỹ thuật trong việc sử dụng thóc và các sản phẩm từ thóc. Tuy nhiên, thóc và các sản phẩm từ thóc chưa đủ lợi thế cạnh tranh về giá (kể cả thị trường trong nước và thế giới) để thay thế các nguồn nguyên liệu khác như ngô, lúa mì, sắn trong sản xuất TĂCN”.
TS Phạm Đồng Quảng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) khẳng định: “Việc sử dụng thóc làm TĂCN là có cơ sở khoa học và thực tiễn. Song để hiện thực hóa rộng rãi cần quy hoạch vùng sản xuất lúa chuyên làm TĂCN; nghiên cứu chọn tạo, gieo trồng các giống lúa cao sản phù hợp với mục đích làm TĂCN…”.
Hữu Thông