Dân Việt

Đảng sửa mình để vững mạnh: Nhiều nơi tự phê còn chung chung

06/10/2012 07:20 GMT+7
(Dân Việt) - Nhà báo Đinh Phong - Ủy viên Ủy ban MTTQ TP.HCM, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo VN, đảng viên 52 năm tuổi Đảng, thẳng thắn cho rằng, tự phê bình hiện còn chung chung khiến dân không hài lòng.

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Đinh Phong cho biết: Bộ Chính trị, Ban Bí thư… kiểm điểm rồi, giờ xuống đến các tỉnh, thành ủy nhưng vẫn chưa cụ thể. Đó là chưa nói Nghị quyết T.Ư 4 không có phần tự phê bình, phê bình chính sách với nông dân, nông thôn.

img
Nhà báo Đinh Phong. Ảnh: Bùi Dũng/VietNamNet

Vậy, ông đánh giá thế nào về chính sách với nông dân, nông thôn hiện nay?

- Từ trước đến nay, lúc nào ta cũng nói phải chăm lo cho giai cấp công - nông. Nhưng thực tế có chỗ chúng ta làm tốt, có chỗ thì chưa, còn hình thức. Công nhân đa phần là con em nông dân nghèo đói, bị mất ruộng, mất đất phải ra đô thị kiếm ăn…

Tại sao con em nông dân phải ra đô thị kiếm ăn? Là vì họ nghèo quá. Cần phải biết rằng ruộng đất của nông dân do cách mạng chia cấp, ruộng đất của nông dân do gia đình người ta tự khai phá, người ta tạo dựng nên, thế nhưng bây giờ lại đặt họ trước việc ruộng đất không phải của người ta nữa.

Đó là một vấn đề mà những cơ quan làm Luật Đất đai sửa đổi sắp tới phải suy nghĩ. Ông bà, cha mẹ và họ khai phá thì phải là tài sản của họ chứ. Và chính vì khái niệm không đúng nên chúng ta đã để cho một bộ phận cán bộ, đảng viên của chúng ta xài xể, sử dụng ruộng đất của nông dân một cách tùy tiện. Nhiều người nông dân bị nghèo đi là như vậy.

img
Ở Việt Nam, công nhân đa phần là con em nông dân nghèo bị mất ruộng đất.

Ông có thể nói rõ hơn về sự tùy tiện này?

- Bây giờ ai cũng biết, một bộ phận cán bộ ở ấp, xã bày ra đủ lý do để cuối cùng lấy đất của dân. Rồi cán bộ một số huyện, tỉnh mua lại đất của dân với giá rẻ để xây cơ ngơi. Chúng ta có biết chuyện này không? Không tin cứ về các tỉnh mà xem, cán bộ huyện, tỉnh bây giờ, nhiều người có rất lắm đất. Đất này họ có khai phá đâu, cũng không phải của ông bà họ để lại. Hỏi thì ai cũng nói mua lại của nông dân.

“Từ trước đến nay, lúc nào ta cũng nói phải chăm lo cho giai cấp công - nông. Nhưng thực tế có chỗ chúng ta làm tốt, có chỗ thì chưa, còn hình thức”

Rõ ràng bằng con đường này, con đường khác, họ đã lấy của nông dân chứ họ đâu có tạo lập nên. Chúng ta có bao giờ hỏi họ: Tiền đâu mà mua nhiều như thế? Trong khi đó, dù là ruộng của mình nhưng bây giờ có một bộ phận người nông dân phải đứng ở ngoài đường nhìn và chịu đói nghèo.

Vậy, theo ông phải có giải pháp thế nào?

- Như tôi đã nói, nếu chúng ta không quan tâm đến nông dân thì làm sao họ đứng về phía chúng ta được, họ đi kiện là phải thôi. Tôi biết nhiều vụ lúc đầu chính quyền nói với nông dân là thu hồi đất làm công ích, sau đó giao cho các công ty làm dự án giá cao, khiến nông dân bức xúc. Vậy thì, khi kiểm điểm theo Nghị quyết T.Ư 4, ngoài các vấn đề khác, cần lưu ý cán bộ, đảng viên kiểm điểm kỹ phần này. Mà khi kiểm điểm không được chung chung...

Xin cảm ơn ông!

Qua loa, không chỉ hại riêng mình!

Trong đợt kiểm điểm này, không tránh khỏi một số nơi nghiên cứu văn bản không kỹ, nên kiểm điểm chưa đạt đúng điều mong muốn. Cũng không tránh khỏi có nơi vượt qua đợt sinh hoạt này bằng việc ngồi lại để giãi bày, xuê xoa, tìm sự cảm thông với nhau vì kết quả điều hành không như ý. Cái tội "qua loa" thật là nguy hiểm, vì không chỉ hại cho chính nơi "làm không thật" mà còn làm cho hình ảnh của đợt kiểm điểm này không như bản thân nó cần xuất hiện. Mong sao các cấp tránh càng xa điều này càng tốt!

Cơ hội để soi mình

Tháng 3.2012, Nghị quyết 12, Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư 4 (khóa XI) ra đời, mở ra cơ hội để tự mỗi người nhìn thẳng vào chính mình, giảm tốc bệnh hời hợt trên đường công tác. Chưa bao giờ sự kết hợp "chống và xây" trong tư tưởng, lại là nguồn ý chí thường trực ở mỗi người như bây giờ. Tháng 10 này, cán bộ các cấp đồng loạt triển khai việc tự soi mình. Việc kiểm điểm lần này là một đợt sinh hoạt chính trị của toàn Đảng, toàn dân ta trên tinh thần "tự giác" cao hơn bất kỳ sự tự giác nào trước đó.