Lúc 21 giờ 30 tối 6.10, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương phát đi bản tin cuối cùng của bão số 7.
Ảnh vệ tinh bão số 7 suy yếu sau khi vào đất liền |
Theo đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, ở các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên đã có gió mạnh cấp 5, có nơi cấp 6, giật cấp 7, cấp 8; tại trạm đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã quan trắc được gió mạnh 15m/s (cấp 7), giật 21 m/s (cấp 9), An Nhơn (Bình Định) 12m/s (cấp 6), giật 19 m/s (cấp 8); Quy Nhơn có gió mạnh 11m/s (cấp 6), giật 16m/s (cấp 7); ở các tỉnh Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã có mưa to, có nơi mưa rất to, với lượng mưa tính đến 19 giờ ngày 06/10 phổ biến từ 80 – 100mm; một số nơi có lượng mưa lớn hơn như Trà My (Quảng Nam) 103mm; Ba Tơ (Quảng Ngãi) 128mm; Tuy Hòa (Phú Yên) 133mm; An Khê (Gia Lai) 256mm...
Trước đó, khi đi vào vùng biển ngoài khơi Nam Trung bộ, bão số 7 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Chiều tối 6.10, sau khi đi vào khu vực các tỉnh Bình Định – Phú Yên, áp thấp nhiệt đới lại suy yếu thành một vùng áp thấp. Hồi 20 giờ, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 13,3 độ Vĩ Bắc; 108,9 độ Kinh Đông, trên địa phận các tỉnh Bình Định – Phú Yên và Gia Lai. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).
Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, tiếp tục đi sâu vào đất liền, suy yếu và tan dần.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp kết hợp với không khí lạnh, vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận (bao gồm các huyện đảo Lý Sơn, Phú Quý) trong đêm 6.10 còn có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động. Ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Cần theo dõi sát tin dự báo thời tiết và thủy văn hàng ngày.
Sỹ Lực