Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank Trầm Bê lần đầu lên tiếng về vụ mất trộm sừng tê giác trị giá hàng tỷ đồng.
"Chiếc sừng của một con tê giác nhồi bông đặt tại quê nhà đã bị trộm cắp. Con tê giác thật này được một người bạn của tôi tặng, dài khoảng 4 m, được trưng bày tại nhà riêng ở Trà Vinh từ năm 2008 đến nay. Con tê giác có giấy tờ hợp pháp nên tôi mới trưng bày.
Chiếc sừng gắn liền với con tê giác chứ không phải là sừng rời, còn đó là thật hay không bây giờ đã bị bọn trộm lấy cắp thì làm sao kiểm chứng được nếu cơ quan chức năng có yêu cầu. Tôi cũng không biết được chiếc sừng này cân nặng bao nhiêu bởi nó gắn liền với con tê giác thì làm sao mà nói nó nặng đến 4 kg và càng không biết được nó có giá trị đến 4 tỷ đồng như có thông tin", ông Trầm Bê xác nhận.
Con tê giác nhồi bông được trưng bày tại dinh thự của ông Trầm Bê. |
Trước đó, ngày 27.9, bảo vệ dinh thự của ông Trầm Bê (Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank) ở xã Hàm Tân (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) phát hiện vụ mất trộm sừng tê giác sau đó đã đến công an xã để trình báo vụ việc. Chiều 4/10, lãnh đạo Công an tỉnh Trà Vinh xác nhận thông tin về việc mất trộm trên và chỉ đạo cho Công an Huyện Trà Cú xác minh, làm rõ vụ trộm.
Liên quan đến vụ việc này, Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) đã gửi công văn tới Công an TP HCM và Công an tỉnh Trà Vinh bày tỏ quan điểm về tính hợp pháp của sừng tê giác trong vụ mất trộm tại khu đất của gia đình ông Trầm Bê, khẳng định ông Trầm Bê không nằm trong danh sách những người nhập khẩu hợp pháp sừng tê giác vào Việt Nam.
Ông này cũng không có tên trong danh sách những người xuất khẩu sừng tê giác hợp pháp như mẫu vật săn bắn từ Nam Phi. Vì vậy, chiếc sừng tê giác được đề cập đến trong bài báo mà công an đang truy tìm có khả năng lớn là bất hợp pháp.
Ông Đỗ Quang Tùng, Phó giám đốc phụ trách Cites Việt Nam cho biết: "Ông Trầm Bê chưa được cấp giấy phép nhập khẩu sừng tê giác vào nước ta, nhưng trong trường hợp ông ấy chứng minh được chiếc sừng ấy được nhập về hợp pháp, thông qua giấy phép được cấp cho một người khác thì nghi vấn đó là sừng tê giác nhập lậu được loại bỏ. Trên thực tế, chúng ta chưa biết được liệu có ai đó đã tặng (cho) hoặc gửi ông Trầm Bê chiếc sừng tê giác ấy nên phải kiểm tra kỹ lưỡng mới có thể đưa ra được câu trả lời chính xác nhất", ông Tùng nói.
Dinh thự của ông Trầm Bê tại xã Hàm Tân (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh). |
Ngày 5.10, ông Trầm Bê (Phó chủ tịch HĐQT Sacombank) công khai hồ sơ nhập khẩu hợp pháp "tê giác trắng, hàng đã qua xử lý làm khô", có giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất hàng (Nam Phi). Con tên giác trắng có sừng được xử lý thành thú nhồi bông được ông Ngô Thành Nhân (ngụ đường Phạm Hữu Chí, phường 12, quận 5, TP HCM) tặng ông Bê nhân dịp tân gia nhà năm 2007.
Mẫu thiệp chúc mừng tân gia ông Trầm Bê có chữ ký của người này với nội dung "Chúc mừng tân gia gia đình anh chị Trầm Bê. Em tặng gia đình anh chị một con tê giác trắng. Mong rằng món quà này đem lại may mắn cho gia đình anh chị. Ngày 1.3.2007. Ký tên". Ông này cũng là người đứng tên nhập khẩu kiện hàng chứa con tê giác trắng (đã qua xử lý làm khô).
Ông Nhân kể xuất xứ của con tê giác này: "Tôi đi săn có giấy phép săn bắn tại Mpumalanga (Nam Phi). Con tê giác nhập về là chiến lợi phẩm trong một cuộc đi săn hợp pháp tại Nam Phi và khi nhập về Việt Nam có đầy đủ giấy tờ. Vậy mà Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) không biết dựa vào đâu nghi ngờ sừng tê giác bị mất cắp là bất hợp pháp".
Giấy chứng nhận kiểm dịch. |
Để chứng minh, ông Trầm Bê và ông Nhân trưng ra một bộ hồ sơ gồm 10 trang (vừa tiếng Anh, vừa tiếng Việt) bao gồm: giấy phép săn bắn, giấy tờ xuất nhập khẩu, hóa đơn đóng thuế, phiếu đăng ký kiểm dịch, tờ khai hải quan... Trong bộ hồ sơ này, có 2 giấy xuất nhập khẩu của Cites (Cơ quan Quản lý việc buôn bán quốc tế các động vật hoang dã nguy cấp) Nam Phi và Cites Việt Nam.
Theo giấy đăng ký kiểm dịch của Trung tâm thú y vùng TP HCM (Trạm kiểm dịch động vật Tân Cảng) do ông Ngô Thành Nhân đăng ký ngày 20.10.2006, tên hàng là con tê giác trắng Nam Phi, trọng lượng 350 kg, mục đích sử dụng trang trí trong nhà...
Con tê giác này đã làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan khu vực 4 vào tháng 11.2006. Ông Nhân cho biết thêm, con tê giác này được vận chuyển theo đường biển vào Việt Nam.