Dân Việt

Quản lý giết mổ gia súc, gia cầm: Sẽ công khai cơ sở vi phạm

08/10/2012 10:07 GMT+7
(Dân Việt) - Hôm qua (7.10), Bộ NNPTNT phối hợp với UBND TP. Hà Nội đã tổ chức Hội nghị quản lý giết mổ, vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm tại một số tỉnh, thành phía Bắc.

Nhiều vấn đề nóng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) đối với công tác này đã được đưa ra bàn thảo, trong đó tới đây, sẽ thực hiện việc công khai các cơ sở vi phạm quy định về ATTP.

img
Nhiều cơ sở giết mổ chỉ có “công suất” 1 con trên/ngày.

“Bẩn” từ khâu giết mổ

So với các địa phương khác ở phía Bắc, Hà Nội là nơi tập trung nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhất. Theo thống kê của Sở NNPTNT Hà Nội, hiện thành phố còn khoảng 1.042 chợ lớn, nhỏ có hoạt động kinh doanh gia súc, gia cầm với hơn 3.000 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nằm rải rác trong khu dân cư, trong đó có khoảng 458 cơ sở nhỏ với công suất 1 con trâu bò, 5 con lợn và 50 con gia cầm/ngày.

Ngoài ra, còn hàng nghìn cơ sở “siêu nhỏ”, phân tán ở các huyện ngoại thành, nhưng cơ quan chức năng mới chỉ kiểm soát được soát được 30% số này.

Không chỉ Hà Nội, nhiều tỉnh, thành khác của miền Bắc cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ông Nguyễn Tiến Phong – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Toàn tỉnh có 1.100 hộ hành nghề giết mổ gia súc, gia cầm với công suất thấp, bình quân 1 - 2 con trâu, bò, 1-5 con lợn và 10-20 con gia cầm/ngày. Hầu hết các cơ sở này có quy mô nhỏ, lẻ rất khó kiểm soát chất lượng vệ sinh ATTP.

Nguyên nhân vẫn do chợ chưa có quy hoạch cho các cơ sở này”. Hiện tại, Vĩnh Phúc chỉ có duy nhất 1 cơ sở giết mổ tập trung với công suất thiết kế 500 con/giờ nhưng mỗi tuần cũng chỉ hoạt động… 1- 2 lần và giết mổ được 300-500 con.

Khác với các tỉnh miền Bắc, ở miền Nam lại thực hiện rất tốt công tác quản lý giết mổ, vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm. Ông Nguyễn Văn Hưng – Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thừa Thiên- Huế chia sẻ: “Đến nay, chúng tôi đã đảm bảo kiểm soát được 97% số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Một phần là do, nhận thức của người tiêu dùng đã được nâng cao, như ở Huế, người dân ra chợ thấy thịt không có đóng dấu là nhất định không mua.

Tập trung quy hoạch cơ sở giết mổ

Tại hội nghị hôm qua, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần nghiên cứu xây dựng chế tài xử lý vi phạm đối với việc vận chuyển gia súc, gia cầm trong thành phố để tránh gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh.

Đồng thời, cần có thêm chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, kinh doanh, vận chuyển gia súc gia cầm. Như tại Hà Nội, UBND thành phố đã có đề xuất sẽ hỗ trợ chi phí giết mổ tập trung ở mức 50% năm đầu tiên, 40% năm thứ 2 và 30% năm thứ 3.

Theo đó, các cơ sở giết mổ có quy mô lớn sẽ được hỗ trợ khoảng 7-12 tỷ đồng mỗi năm. Ông Nguyễn Thanh Vân cho biết thêm: “Ngoài ra, thành phố cũng quyết định kiện toàn lại thú y thôn bản với mức trợ cấp cho khoảng 4.000 cán bộ thú y thôn bản và mỗi xã sẽ có một cán bộ phụ trách thú y”.

Xử lý dứt điểm việc buôn bán gà lậu

Trước các vụ buôn bán gà lậu, loại thải liên tiếp đổ về Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra yêu cầu: “Đối với việc buôn bán gà lậu ở chợ Hà Vỹ, đề nghị lãnh đạo Hà Nội, Bộ Công Thương và Bộ Công an cần xây dựng phương án kiểm soát, không cho phép buôn bán gia cầm không nguồn gốc tại đây. Đến cuối tháng 11, phải có phương án xử lý cương quyết vấn đề này, phải coi đây là dự án trọng điểm của Hà Nội trong thời gian trước mắt”.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng: “Công tác quản lý giết mổ gia súc gia cầm khu vực phía Bắc còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Trước mắt, cần tập trung vào một số điểm mấu chốt, từ đó tạo chuyển biến mang tính đột phá”.

Bà Thu cũng đề nghị Hà Nội và các tỉnh lân cận phải đi đầu trong quy hoạch các điểm giết mổ, sẵn sàng đóng cửa các điểm giết mổ không an toàn và xóa các điểm giết mổ tại các chợ cóc, chợ tạm. “Làm được như thế, các điểm giết mổ công nghiệp, tập trung, bán công nghiệp mới tồn tại, công tác quản lý giết mổ mới đi vào nền nếp được” - bà Thu nói.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: “Mỗi một ngày ra chợ, người dân mua thực phẩm về sử dụng đều cảm thấy lo lắng, không biết có an toàn hay không.

Cứ đụng vào đâu cũng thấy những vi phạm, từ giết mổ không đảm bảo đến vận chuyển thịt bằng phương tiện xe máy kéo lê ở ngoài đường, thậm chí vận chuyển cả gia súc, gia cầm sống đi hiên ngang giữa thành phố. Người dân thì rất bức xúc, nhưng các cơ quan quản lý phải chăng chưa bức xúc nên mới chậm và chưa xử lý được”.

Phó Thủ tướng yêu cầu: “Chậm nhất trong quý I năm 2013, các địa phương phải hoàn thành công tác này. Đề nghị Hà Nội và 11 địa phương lân cận, cùng 4 Bộ: NNPTNT, Công Thương, Y tế và Công an phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác kiểm soát, kiểm dịch giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm.

Đồng thời, Bộ NNPTNT cần chủ trì rà soát các nghị định, giải pháp về khuyến khích, hỗ trợ quy hoạch khu giết mổ tập trung, để có hướng dẫn gửi các địa phương trước ngày 30.11. Riêng Hà Nội, đến giữa tháng 12, ký được cơ chế phối hợp với các địa phương về quản lý giết mổ, vận chyển, kinh doanh gia súc, gia cầm”.