Dân Việt

Bỏ trợ lý tổng GĐ để... hốt phân gà, xây nhà bề thế

08/10/2012 06:37 GMT+7
(Dân Việt) - Gia đình, làng xóm từ chỗ buồn phiền, chê bai “kỹ sư gì mà đi hốt phân gà”, giờ ai cũng nể phục anh.

Tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ sinh học - Đại học Đà Lạt với tấm bằng loại khá, trở thành trợ lý tổng giám đốc một công ty sản xuất hoa ly ly ở Đà Lạt đang ăn nên làm ra, nhưng Lê Văn Tứ đột ngột bỏ tất cả trở về quê ở thôn Phước Thung, xã Mỹ Phong, huyện Phú Mỹ, Bịnh Định làm nông dân.

Về quê, việc anh làm đầu tiên là nuôi gà. Tiền không nhiều nên lứa đầu tiên, anh chỉ dám nuôi 1.000 con, ai ngờ thắng lớn. Lứa thứ 2, anh nuôi 1.500 con và lại thắng tiếp. “Lứa thứ 3, tôi nuôi 2.000 con, nhưng một mặt giá đứng, một mặt dịch bệnh, cũng may mà thu hồi được đồng vốn”- anh Tứ kể.

img
Anh Tứ (trái) bên hồ nuôi lươn.

Con gà “chạy đà” cho kế hoạch

Không nản, anh vẫn tiếp tục nuôi gà, nhưng lần này anh tìm hiểu, nghiên cứu kỹ tài liệu thú y để tự chữa bệnh cho gà. Anh chạy tìm đầu ra. Và những năm lại đây, anh nuôi gà liên tục thắng.

Có tiền, anh xây luôn 3 ao xi măng, mỗi ao 20m2 để nuôi trùn quế. Gà ăn trùn quế mau lớn, thịt chắc, thơm. Lươn cũng rất thích ăn trùn, không khó nuôi, lại dễ tiêu thụ. Vậy là anh vào Tiền Giang mua 2.000 con lươn giống về nuôi. Nhưng “mẻ” lươn đầu tiên gần như chết sạch. Không bỏ cuộc, anh ra Nghệ An mua 500 con lươn giống bắt từ tự nhiên đem về nuôi. Thành công, anh mua tiếp 1.000 con lươn về nuôi. Lươn của anh chất lượng tốt, giá bán mềm nên khách hàng rất thích.

Phấn khởi, anh xây thêm hồ, nuôi thử nghiệm 300 con lươn đẻ để tạo giống tại chỗ. Đến nay, sau gần 3 tháng, lươn đẻ 500 con, anh mừng lắm.

Nuôi rắn ráo trâu, tắc kè

Lợi nhuận từ lươn, anh vào Tiền Giang mua 25 con rắn ráo trâu 10 ngày tuổi về nuôi. Không ngờ anh “mát tay”, rắn lớn ào ào. Anh lại vào Tây Ninh mua thêm rắn giống. Đến nay rắn của anh đã đẻ. Thức ăn cho rắn, anh mua lồng nhử chuột, đến mỗi nhà hàng xóm bỏ một lồng, sáng dạo quanh lấy chuột. Khi thiếu thức ăn thì huy động trẻ em trong xóm bắt chuột. “Rắn bán lúc nào cũng được, đầu tư không lớn, dễ lời cao” - anh cho biết.

Gia đình, làng xóm từ chỗ buồn phiền, chê bai “kỹ sư gì mà đi hốt phân gà”, giờ ai cũng nể phục anh.

Gà, trùn, lươn, rắn, nhưng anh vẫn thấy chưa đủ, anh tiếp tục mua mấy chục con tắc kè về nuôi. Tắc kè về nhà anh lớn nhanh như thổi. Anh có kiểu tiêu thụ tắc kè rất hay, mỗi con ngâm 1 lít rượu đóng chai, khách hàng mua ào ào.

Anh thiết kế xây dựng luôn một mô hình khép kín 3 tầng. Tầng 1 là ao nuôi lươn, hồ nuôi trùn; tầng 2 gác tre trên ao, hồ để nuôi gà; tầng 3, anh làm giàn bằng trụ tre chắc chắn cho thiên lý và đậu rồng bò lên... Hiện thiên lý thì bao la, còn đậu rồng thì mấy chục bụi rồi. Tháng 8 đến tháng 2 năm sau là mùa của đậu rồng, cuối tháng giêng đến đầu tháng 9 là mùa của thiên lý. Hai loại cây này vừa che mát, vừa có bán quanh năm.

Lấy phân bò cho trùn ăn, lấy trùn cho gà ăn, lấy phân gà và trùn cho lươn ăn, lấy phân trùn chuyển sang trồng trọt, cái này hỗ trợ cái kia, tuần hoàn, đem lại lợi nhuận đều đặn cho anh mỗi năm. Từ một số vốn ít ỏi ban đầu, đến nay anh đã tạo dựng được một cơ ngơi bề thế ở nông thôn.