Đại loại, người đến sân sẽ được hưởng không khí lễ hội, ngoài xem bóng đá còn có cả chương trình ca nhạc, hội chợ đồ thể thao, được phục vụ ăn uống và được trọng thị như khách VIP...
Tuy ý tưởng này đến giờ vẫn chưa thực hiện được, nhưng chí ít, người Hải Phòng luôn được là khán giả hạnh phúc nhất nước khi được đến sân xem đội nhà thi đấu. Bóng đá không thể không có khán giả. Thế nhưng khi nói đến mối quan hệ giữa khán đài và sân bóng, thường người ta chỉ nhắc tới những vụ phá phách của những CĐV quá khích.
Đã đến lúc thay vì "cảnh giác cao độ" với người hâm mộ, bóng đá VN phải tìm cách đặt vị trí của họ đúng nghĩa là một thượng đế. Bóng đá đã trở thành một món hàng có giá đối với truyền hình và các nhà tài trợ, bằng chứng là số tiền thu được từ những lĩnh vực này ngày một cao, nhưng bóng đá lại chưa thực sự trở thành "một món hàng" mà mỗi người hâm mộ cảm thấy cần mua vào mỗi ngày Chủ nhật.
Biện pháp "kích cầu" chính là thái độ trân trọng hơn đối với những người bỏ tiền ra mua vé vào sân. Thái độ trân trọng từ cầu thủ khi chơi bóng phải “sạch”, phải hấp dẫn, từ BTC sân và BTC V.League là luôn tạo điều kiện để người hâm mộ cảm thấy hứng khởi với bóng đá, coi đó là một phần nhu cầu giải trí.
Khán giả phải là những thượng đế của bóng đá chứ không phải là những phần tử khiến tất cả phải dè chừng.
Vi Thành