Thạc sĩ, dược sĩ Trần Phi Hùng - Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cho rằng: “Thực tế trong dân gian ta từ trước đến nay bà con đã dùng nhiều biện pháp y học dân gian để chữa trị nhiều căn bệnh. Chữa trị hóc xương bằng… chửi cũng là một trong số nhiều phương pháp chữa trị dân gian tác động tới tâm lý bệnh nhân.
Xét ở một góc độ nào đó, cách chữa trị này cũng đã có hiệu quả với những trường hợp nhất định. Ví dụ như những trường hợp mắc xương nhưng xương bé, mới mắc vào họng, xương chưa cắm sâu vào trong da, chưa gây viêm, sưng tấy thì dùng biện pháp tâm lý này có thể chữa trị được”.
Tuy nhiên, cũng theo dược sĩ Hùng, với những trường hợp bệnh nhân mắc các loại xương to, đã cắm sâu vào thịt thì bệnh nhân không nên tự chữa trị mà cần phải qua các bệnh viện chuyên khoa để chụp chiếu, gắp xương ra.
Nhìn nhận ở một góc độ khác, Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Công Định - Trưởng khoa Tai mũi họng Bệnh viện Bạch Mai thì cho rằng: “Bản thân tôi có nghe nói đến việc chữa trị hóc xương bằng… chửi nhưng chưa tận mắt chứng kiến. Tuy nhiên, tôi cho rằng điều này là phản khoa học. Nếu mắc xương, bệnh nhân cần được đưa ngay tới bệnh viện để được gắp xương và điều trị kịp thời”.
Một số bác sĩ chuyên khoa tai, mũi, họng khác thì thận trọng hơn khi cho rằng, ngành y tế - trước hết là Sở Y tế Nghệ An, cần có các nghiên cứu cụ thể về cách chữa của cụ Nhâm. Nếu có các kết luận chung về nhóm bệnh nhân được chữa khỏi theo cách này (có những đặc điểm chung nào đó khi bị mắc xương) thì có những khuyến cáo để người dân biết, chủ động điều trị khi mắc bệnh.
Minh Nguyệt