Dân Việt

Sức ép từ trường học

17/01/2011 06:01 GMT+7
(Dân Việt) - Mới hết học kỳ một năm học 2010-2011 mà trên cả nước đã có nhiều học sinh tự vẫn liên quan đến chuyện học tập, thi cử.

Mới đây nhất, sáng 15-12-2010, tại huyện Hoài Nhơn, em Võ Ngọc H (SN 1997, ở xã Tam Quan Nam, Hoài Nhơn, Bình Định), học sinh lớp 8 đã treo cổ chết tại nhà riêng. Em H để lại thư tuyệt mệnh nêu lý do tự tử là kết quả học tập sa sút, bị cha mẹ la mắng.

Trước đó, ngày 4-12, thầy trò Trường Tiểu học Long Thạnh 1 ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) bàng hoàng trước việc 4 học sinh lớp 5A1 sùi bọt mép, mắt trợn ngược khi đang ngồi học vì ngộ độc thuốc trừ sâu. Theo thầy Nguyễn Bá Tước - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Thạnh 1, vụ ngộ độc này là do các em định tự tử vì những lý do liên quan tới học tập, bạn bè.

Tuy các vụ việc đó chỉ là những trường hợp cá biệt nhưng cũng rất đáng quan tâm.

Lỗi trước hết ở chính các em học sinh đó và việc gia đình thiếu quan tâm. Các em đã quá nông nổi, bồng bột, ích kỷ, không yêu quý sự sống của bản thân, chưa thấu hiểu hậu quả, nỗi đau thương mất mát mà gia đình mình, ba mẹ mình phải gánh chịu khi mình chết đi.

Thứ hai là lỗi của nhà trường, thầy cô giáo. Lâu nay, chúng ta quá say sưa, tập trung vào dạy chữ, dạy để học sinh thi cử, để đạt thành tích, mà coi thường, xem nhẹ dạy cách làm người, các kỹ năng và giá trị sống cho các em. Cái thiếu hụt đó là căn nguyên mà khi đối diện với cuộc sống thực tế, những tình huống bất thường, các em tỏ ra lúng túng, bế tắc, không biết giải quyết, xử lý như thế nào cho đúng. Thậm chí, có nhiều em sa vào những biểu hiện tiêu cực...

Mặc dù, thời gian gần đây, vấn đề dạy người, dạy kỹ năng sống được nói nhiều, một số nơi có điều kiện đã dạy kỹ năng sống cho đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, nhưng mới chỉ là thí điểm khởi đầu. Chưa biết đến bao giờ hoạt động này được triển khai rộng khắp trong mọi trường học.

Cả hệ thống giáo dục của chúng ta còn bao vấn đề nổi cộm, bệnh thành tích, áp lực học tập, thi cử từ mọi phía trong khi học sinh thiếu kỹ năng sống, học hành thụ động. Nếu tình trạng này không được "bốc thuốc" chữa sớm thì khó có thể có được viễn cảnh tươi sáng trong giáo dục toàn diện cho học sinh.