Lý Nhã Kỳ, Maya, Vân Trang... xuất hiện trên thảm đỏ. Ảnh: Ngôi sao |
Thảm đỏ Cannes, ai cũng biết là nơi hội tụ các diễn viên điện ảnh lừng danh của các quốc gia. Nghe đến tên tuổi của họ như “sấm nổ bên tai”, bởi vì những cái tên đó vượt ranh giới của quốc gia họ, đến với công chúng toàn thế giới. Có thể kể ra vài gương mặt “hàng xóm” như Chương Tử Di, Phạm Băng Băng, Châu Tấn, Dương Tử Quỳnh. Ngoài những diễn viên điện ảnh thượng hạng, còn có những đạo diễn trứ danh, tên tuổi của họ chính là gương mặt của các nền điện ảnh của các quốc gia, của thời đại.
Cho nên, với những gương mặt của đoàn Việt Nam, chẳng biết họ đi dự liên hoan phim để làm gì. Với họ, ngay cả trong nước, ngoài một số người thích loại phim ảnh rẻ tiền, nội dung nhạt nhẽo, vô vị thì chẳng mấy ai biết đến họ. Những người biết thưởng thức điện ảnh Việt Nam không hề quan tâm đến những “diễn viên điện ảnh hàng sao” ấy của nước mình.
Những đại diện ấy mang gì đi đến xứ người? Danh tiếng của họ ư? Không. Tác phẩm của họ ư? Không. Sự nghiệp điện ảnh ư? Không. Một phim mà họ đóng gây được sự chú ý trong giới điện ảnh quốc tế ư? Không. Đoàn Việt Nam không có nổi một thước phim để tranh giải, không có một diễn viên được báo chí quốc tế quan tâm. Vậy thì đoàn “chân dài” ấy đến Cannes để làm gì?
Ở các sân chơi quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực nghệ thuật, không có tư duy “mặt trận” mà chỉ có tài năng nổi bật, cho nên các “chân dài” Việt Nam chẳng khác gì những chiếc bóng lờ mờ trên thảm đỏ, chẳng đại diện được gì cho quốc gia và cũng chẳng đại diện gì được cho cá nhân ngoài ý nghĩa một chuyến du lịch.
Bởi vậy mà có người nói rằng, chọn lựa một đoàn đi dự liên hoan phim cũng nói lên trình độ của nền điện ảnh của quốc gia.
Chân Tâm