Giải bài toán chuyển dịch cơ cấu lao động
Theo đánh giá, hoạt động ngành nghề nông thôn đã thu hút gần 30% lực lượng lao động tham gia vào cơ sở sản xuất tại các làng nghề. Có những làng nghề thu hút trên 60% lao động trong tổng số lao động của địa phương vào hoạt động sản xuất phi nông nghiệp. Ngoài lao động thường xuyên, các hộ, cơ sở ngành nghề còn thu hút thêm từ 2-10% lao động thời vụ.
Phát triển làng nghề sẽ giúp giải bàn toán chuyển dịch cơ cấu lao động trong xây dựng NTM. |
Một trong những mục tiêu trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) là phải chuyển dịch được cơ cấu lao động nông thôn sang hướng phi nông nghiệp. Chính vì vậy, việc xây dựng NTM gắn với xây dựng làng nghề, nhất là làng nghề truyền thống có một ý nghĩa rất lớn cả về kinh tế lẫn xã hội. Đây là giải pháp quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhằm tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống cho lao động cho nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên, việc phát triển các làng nghề cũng gặp không ít khó khăn như: Biến động lao động làng nghề, công tác đào tạo tay nghề và đặc biệt là thị trương tiêu thụ sản phẩm còn quá nhỏ hẹp, hệ thống giao thông, thông tin liên lạc và quảng bá sản phẩm, hệ thống các ngành sản xuất hộ trợ, nhất là trong các khâu sản xuất, khai thác và xử lý nguyên vật liệu phục vụ cho các loại ngành nghề dù đã được tăng cường vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.
Thực tế cho thấy, một trong những khó khăn lớn của việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn chính là chuyển dịch cơ cấu lao động. Việc phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) liên quan trực tiếp đến nhiều tiêu chí quan trọng khác như: Mức thu nhập bình quân đầu người, cơ cấu lao động và hình thức tổ chức sản xuất. Thực tế cho thấy, địa phương nào có làng nghề, CN-TTCN phát triển, sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi cho lộ trình xây dựng NTM.
Gắn quy hoạch NTM với làng nghề
Hiện nay, trong việc quy hoạch xây dựng NTM, một vấn đề mà các địa phương cần chú ý là diện tích đất cần thiết để trồng các loại cây làm nguyên liệu cho sản xuất. Bởi phát triển làng nghề chính là làm đa dạng hóa kinh tế nông thôn, chuyển các hộ thuần nông thu nhập thấp thành những hộ kinh doanh đa ngành nghề. Với bộ phận các địa phương đã có nghề, Nhà nước cần lập dự án phát triển nghề hiện có, cấy thêm nghề mới, nhân rộng ra nhiều hộ trong làng. Còn đối với địa phương chưa có nghề, cần lập quy hoạch ngành nghề, quy hoạch mặt bằng, xây dựng kế hoạch, dự án phát triển…
Một vấn đề khó nhất cần giải quyết ở các làng nghề hiện nay là khắc phục ô nhiễm môi trường, đặc biệt là thu gom chất thải để có thể “cất cánh” đạt các mục tiêu chương trình NTM, hướng tới phát triển bền vững. Bên cạnh đó, việc lựa chọn và tập trung vào các ngành nghề chủ đạo, có lợi thế và tiềm năng lớn tạo nên các sản phẩm có sức cạnh tranh mạnh mẽ cũng là nhiệm vụ quan trọng không kém, kết hợp với việc khuyến khích thành lập các doanh nghiệp đầu mối, đảm nhận khâu tiêu thụ sản phẩm cho các hộ sản xuất.
Với tiềm năng của các làng nghề truyền thống Việt Nam, nếu có sự đầu tư đúng hướng, có những chính sách phù hợp sát thực tiễn, đặc biệt là sự quyết tâm chung tay của cả hệ thống chính trị, các làng nghề sẽ vượt qua được khó khăn thách thức hiện nay để có đủ khả năng thực hiện các tiêu chí về NTM.
Nguyễn Minh Tiến
- Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ NNPTNT
* Tựa bài và các tít nhỏ do NTNN đặt.