Dân Việt

Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần đồng thuận mạnh!

10/10/2012 10:00 GMT+7
(Dân Việt) - Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp xác đáng và có giá trị từ đại diện các doanh nghiệp (DN), các công ty tư vấn luật, các chuyên gia hàng đầu về chính sách đất đai tại hội nghị ngày 9.10 ở Hà Nội.

Coi trọng nguyên tắc “đồng thuận mạnh”

Góp ý cho dự luật, GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT cho rằng: “Đất đai chuyển từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp cần phải có cơ chế cho sát với thực tế. Tôi không nhất trí với cách tiếp cận của Luật Đất đai (sửa đổi).

Sở hữu toàn dân về đất đai không chỉ dựa trên nguyên tắc Nhà nước đại diện chủ sở hữu mà phải dựa trên nguyên tắc đồng thuận của cộng đồng sử dụng đất ở địa phương đối với mọi quyết định về đất đai”.

img
Người dân xem quy hoạch thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

GS Võ cho biết thêm: “Dự luật có đưa ra cơ chế thỏa thuận không, thỏa thuận như thế nào? Đồng thuận không có nghĩa là phải thống nhất ý kiến 100%, đồng thuận "yếu" là thống nhất quá bán, đồng thuận "mạnh" là thống nhất quá 2/3. Theo tôi, nguyên tắc "đồng thuận mạnh" chính là chìa khóa để giảm tham nhũng và giảm khiếu kiện về đất đai. Nguyên tắc này cần được đặt ra như một yếu tố chi phối trong dự thảo luật”.

Liên quan đến cách phân loại các nhóm đất, ông Phạm Sĩ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam góp ý gay gắt: “Cách phân loại đất thành các nhóm đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng là thừa hưởng từ luật 2003, thể hiện tư duy lấy đất nông nghiệp làm trung tâm.

Điều này gây trở ngại cho quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đất nước nhưng vẫn được giữ lại trong dự thảo lần này. Đề nghị đổi “đất phi nông nghiệp” thành “đất xây dựng”. Trong nhóm đất này không có loại đất đô thị cũng là một thiếu sót nghiêm trọng”.

Cơ chế thu hồi đất cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Ông Vũ Xuân Tiền – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tư vấn VFAM Việt Nam cho rằng: “Để khắc phục tình trạng có quá nhiều người “đại diện chủ sở hữu” trong việc giao đất, cho thuê đất... như hiện nay, tôi kiến nghị việc giao đất, cho thuê đất, quyết định trưng mua quyền sử dụng đất chỉ phân cấp tới chủ tịch UBND cấp huyện.

Việc chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất chỉ phân cấp tới chủ tịch UBND cấp tỉnh và thành phố trực thuộc T.Ư. Việc giới hạn sự phân cấp nhằm đảm bảo tính pháp lý cao hơn của những quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai, giúp cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát tốt hơn những vấn đề liên quan đến đất đai”.

Ông Tiền cho rằng: “Luật Đất đai hiện hành đạt kỷ lục về các văn bản hướng dẫn thực hiện. Theo một thống kê, đến nay có khoảng 600 văn bản hướng dẫn, đó là một hệ thống vừa thừa vừa thiếu, chắp vá gây khó khăn cho người dân và DN”.

Nên giao UBND tỉnh, thành phố định giá đất

Theo VCCI, tính bất ổn trong Luật Đất đai tác động đến chất lượng đầu tư đối với các DN, nhất là đầu tư dài hạn. Gần 30% số DN cho rằng họ đang gặp phải những khó khăn về thủ tục đất đai, nếu giải quyết được chuyện này, họ sẽ đầu tư quy mô lớn hơn và dài hạn hơn...

Đối với đất khu công nghiệp, khu kinh tế, dự thảo luật chưa quy định rõ ràng nên trong nhiều trường hợp xác định thẩm quyền giao đất, cho thuê đất còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế không có công ty phát triển hạ tầng.

Để tránh chồng chéo, theo đại diện Công ty Tư vấn luật VILAF, nên quy định UBND tỉnh giao đất cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế.

Dự thảo luật cũng ghi: “Chính phủ quy định khung giá các loại đất, khi giá đất trên thị trường có biến động lớn thì điều chỉnh cho phù hợp”.

Quy định này, theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá Việt Nam là không khả thi vì Chính phủ không có điều kiện theo dõi sát sao diễn biến của giá thị trường.

Ông Tuấn đề nghị nên giao hẳn cho UBND các tỉnh, thành phố quy định giá đất cho địa phương mình, như vậy sát hơn và nhanh hơn.