Nào văn hóa ứng xử, văn hóa ẩm thực, văn hóa tiêu dùng, văn hóa đi đứng, văn hóa thưởng thức, văn hóa sống… Thôi thì đủ thứ chuyện, đủ thứ việc, văn hóa đều được lôi vào như là một thành tố mới được phát hiện ra. Tôi cũng chưa có dịp nào cật vấn với mấy bác quen mồm cái gì cũng đệm cụm từ “văn hóa” về nội hàm cụm từ đó gồm những gì, thì vài năm nay lại nghe thêm cụm từ “văn hóa từ chức”!
Hai từ “văn hóa” được chi dùng vô tội vạ như như thói quen mồm. Hệt như mấy năm trước lạm dụng đến phát ngấy mấy từ “đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc” vậy.
Trở lại cụm từ “văn hóa từ chức”. Sao lại có chuyện văn hóa ở đây như là sự gợi mở cho chuyện từ chức nhỉ. Thiển nghĩ, không làm được việc thì cho bãi chức, hoặc nặng hơn thì cách chức. Từ chức chỉ ở những người đang làm việc tốt nhưng vì lý do sức khỏe hay lý do gì khác mà không tiếp tục gánh vác được thì phải coi đó như chuyện bình thường.
Chức vụ hành chính là trách nhiệm kèm theo đồng lương. Nếu không làm được thì bãi chức là đương nhiên và làm sai làm trái thì cách chức trên cơ sở pháp luật. Dây dướng gì mà lôi “văn hóa” vào đây để “gợi ý” từ chức nhỉ? Thật khôi hài, luật pháp, kỷ luật để đâu?
Tôi nhớ mãi chuyện Anh hùng Hồ Giáo, người 2 lần được phong Anh hùng, khi được gợi ý giao chức giám đốc, anh đã từ chối và nói rằng chỉ biết việc chăn bò thôi. Còn chức vụ ngày nay nghe nói nhiều chỗ mua, chạy bằng tiền. Có chức rồi, người ta tìm cách ngồi lâu để tìm cách thu hồi vốn.
Tiêu tiền dễ dãi đến lạm chi, dùng chữ dễ dãi đến lạm phát ngôn từ sáo rỗng. Hỏng kinh tế, phá văn hóa là ở đó. Liệu bao giờ giải thể được vấn nạn này nếu chúng ta không nói ra sự thật!
Đỗ Đức