Còn nhớ, anh Nguyễn Xuân Chinh, thành viên của Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, vào tháng 9.2010, bị chết vì tai nạn khi tham gia truy đuổi một kẻ tình nghi vác mã tấu trên đường. Hiệp sĩ Nguyễn Tăng Tiên (CLB Phòng chống tội phạm phường An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) bị nhóm giang hồ “đá xế” truy sát. Đó là một trong những rủi ro cần phải được đặt ra để giải quyết.
Còn rủi ro cho cộng đồng và cho xã hội cũng rất dễ dàng nhìn thấy. Nếu vụ việc xảy ra thông thường, có vụ cướp giật trên đường phố, hiệp sĩ truy bắt kẻ cướp giải về đồn công an, trả lại tài sản cho nạn nhân, thì câu chuyện còn đơn giản. Nhưng cả nhóm hiệp sĩ tổ chức can thiệp vào một vụ tranh chấp dân sự của các công dân khác như vừa xảy ra ở Bình Dương thì chuyện trở nên phức tạp. Cho dù các hiệp sĩ hành động xuất phát từ động cơ trong sáng, sẵn sàng bảo vệ quyền lợi cho người bị thiệt hại, nhưng như vậy cũng vi phạm pháp luật.
Ngay cả trong lực lượng công an, cảnh sát giao thông hay cảnh sát khu vực, cảnh sát điều tra, mỗi đơn vị chỉ có quyền làm việc trong lĩnh vực được phân công, đúng thẩm quyền. Cảnh sát giao thông không được quyền kiểm tra hộ khẩu của công dân. Tương tự, cảnh sát khu vực không có quyền chặn các phương tiện giao thông để kiểm tra giấy tờ, trừ những trường hợp được phân công phối hợp vào những dịp đặc biệt. Vậy thì, hiệp sĩ đường phố không thể tự tiện chặn đường công dân để xử lý vì nghi ngờ đó là đối tượng cướp giật, buôn bán ma túy hay tống tiền kẻ khác.
Trong các trường hợp đó, nếu có phát hiện và nghi ngờ, hiệp sĩ chỉ có “thẩm quyền” duy nhất là báo với công an. Cho nên, nếu hành vi chặn công dân và tự cho mình cái quyền lục soát, bắt giữ, xử lý người khác của hiệp sĩ không được ngăn chặn, thì sẽ còn những hậu quả khác dẫn đến lộng quyền.
Đề cao phong trào toàn dân phòng chống tội phạm nhưng không nên cổ súy cho những phong trào ngầm chứa rủi ro và dễ dẫn đến lạm quyền như vừa phân tích trên.
Chân Tâm