Dân Việt

Dịch bệnh hoành hành đàn bò

11/10/2012 10:28 GMT+7
(Dân Việt) - Gần 2 tuần nay, dịch bệnh đã làm đàn bò ở xã Trường Long Hòa (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) chết hàng loạt. Tình hình dịch bệnh phức tạp và lây lan ra địa bàn toàn xã khiến người dân bất an.

Bò chết hàng loạt

Theo thống kê, toàn xã Trường Long Hòa có 260 hộ nuôi bò với tổng đàn 665 con. Từ ngày 24.9, đàn bò đã bắt đầu phát bệnh và sau đó lây lan ra địa bàn toàn xã. Đến nay đã có 96 con mắc bệnh và đã có 11 con chết. Nguyên nhân lây lan ban đầu được các cơ quan chức năng xác định là do côn trùng chích đốt trên da bò bệnh, sau đó truyền mầm bệnh sang bò khỏe.

img
Đàn bò của gia đình bà Thạch Thị Phước bị lở loét.

Ngày 10.10, tiếp xúc với phóng viên, bà Thạch Thị Phước ở ấp Nhà Mát có 2 con bò bị mắc bệnh cho biết: “Tôi nuôi bò mười mấy năm rồi nhưng mới thấy bệnh này lần đầu. Ban đầu trên da bò nổi mẩn đỏ bằng ngón tay, sau đó chừng 2 ngày là lở và nứt da khiến cho bò bị kiệt sức”. Ông Nguyễn Văn Thương – Chủ tịch UBND xã Trường Long Hòa cho biết: “Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp là do khi phát bệnh người dân không khai báo mà tự điều trị vết thương. Khi chính quyền địa phương phát hiện đã đưa cán bộ thú y xuống tận cơ sở kê toa thuốc, chữa trị bò bệnh nên tình hình dịch bệnh mới bắt đầu được khống chế, tránh lây lan”.

Chưa xác định được mầm bệnh

Hiện nay, dịch bệnh đã cơ bản được khống chế nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được mầm bệnh. Ông Ngô Đức Thạnh – Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Trà Vinh cho biết: “Qua biểu hiện bệnh được xác định đây không phải là bệnh truyền nhiễm mà là bệnh viêm da nhiễm trùng. Chi cục Thú y tỉnh đã gửi mẫu bệnh phẩm đến Cơ quan Thú y Vùng VII và Trường Đại học Cần Thơ xét nghiệm để tìm ra mầm bệnh”.

“Biểu hiện ban đầu của bò bệnh là do viêm da thành từng mảng cộng với nhiệt độ thấp, mưa nhiều làm sức đề kháng của bò yếu dẫn đến rối loạn tiêu hóa, bò bị tiêu chảy rồi chết”.

Hiện nay, các cơ quan chức năng chưa công bố dịch nên việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Thương cho biết: “Việc xử lý bò chết rất khó khăn. Phần lớn bò đều có giá trị gần chục triệu đồng nên không thể bắt dân chôn hay tiêu hủy. Vì vậy, chính quyền địa phương chỉ vận động dân lấy da, bộ lòng đem tiêu hủy, còn thịt thì vận động thương lái luộc chín mới đem ra khỏi địa bàn để tránh mầm bệnh lây lan sang các địa phương khác”.

Theo ông Thương, hiện tại người dân có bò bị chết vẫn chưa có sự hỗ trợ nào để tái đàn, phát triển chăn nuôi.