Ngô không còn là bữa chính
Chúng tôi đến Tân Xuân vào đúng vụ thu hoạch ngô. Trong mỗi nhà dân, ngô bắp trải vàng trên các mái hiên, sân phơi hay chất thành đống trong nhà kho đợi khách tới mua. Anh Thào A Dếnh - Trưởng bản Cột Mốc nói: “Nhà nào cũng được nhiều ngô. Cái ngô lai VN10 của Chiềng Sung này tốt lắm, cho nhiều bắp to. Dân Tân Xuân có cuộc sống khá lên là nhờ cây ngô lai này đấy”.
Nông dân bản Bún, xã Tân Xuân, Mộc Châu, Sơn La thu hoạch ngô lai VN10 có năng suất cao gấp 2,5 lần ngô giống cũ. |
Ngó quanh trong nhà anh Dếnh, cũng chỉ thấy mấy chục bao ngô nằm gọn ở góc nhà. Anh Dếnh bảo: Mình thu được hơn 10 tấn ngô nhưng vừa bán hết rồi, chỗ ngô ấy là để lại chăn nuôi lợn và trâu, bò đấy. Bây giờ người Mông ở đây không còn phải ăn ngô thay cơm như trước nữa".
Cột Mốc là bản vùng cao của xã Tân Xuân, có 77 hộ với hơn 450 nhân khẩu. Tuy sống bằng nông nghiệp nhưng bình quân mỗi hộ chỉ có mấy trăm mét vuông ruộng nước, thu nhập chính là cây trồng trên nương. "Mấy năm nay, nhờ cán bộ Hội Nông dân và Bộ đội Biên phòng vận động, giúp đỡ nhiều nên bà con chúng tôi đều có giống lúa, giống ngô mới và những kỹ thuật sản xuất tốt hơn. Vì thế cũng cái nương ấy nhưng số bắp ngô, bao lúa thu được nhiều hơn tới 2-3 lần. Bản không còn hộ bị đứt bữa nữa, hộ nghèo cũng giảm đi nhiều" - ông Thào A Chồng - nguyên trưởng bản nhiều năm liền, tâm sự.
Vừa nói vừa làm dân mới tin
Nói về quá trình chuyển đổi sản xuất từ cây, con giống cũ sang những cây, con giống mới và cách thâm canh lúa, ngô, chị Thào Thị Công - nông dân bản Cột Mốc cho biết: Một vài lần tập huấn khuyến nông đầu tiên thì chưa ai làm theo đâu. Đến khi cán bộ hội và bộ đội xuống trực tiếp làm theo cách mới cho dân xem, thấy hiệu quả, bà con mới làm theo đấy. Nhà nước còn hỗ trợ chúng tôi giống ngô, lúa và tiền khai hoang ruộng nước. Bây giờ thì nhà ai cũng trồng ngô giống mới cả. Vụ ngô này, nhà tôi cũng thu được hơn 10 tấn, bán được hơn 50 triệu đồng rồi; còn nhiều ngô để làm thức ăn chăn nuôi nữa.
Thiếu tá Đỗ Văn Lùi là cán bộ biên phòng tăng cường cho xã Tân Xuân bảo: "Nhiều năm gắn bó với người dân ở đây, chúng tôi hiểu bà con vùng sâu lắm. Những nếp nghĩ, cách làm cũ ăn sâu bao đời nay, muốn thay đổi phải miệng nói, tay làm. Cứ làm tốt dân sẽ tin và làm theo".
Trong niềm vui ngô bội thu, lại được giá, ông Sồng A Kỷ - lão nông bản Cột Mốc, phấn khởi: Người Mông ở Tân Xuân no ấm là nhờ cán bộ bám dân chỉ bảo, Nhà nước đầu tư cho điện, cho đường ô tô, cho giống ngô, giống lúa. Cái gì chưa biết, chưa tin thì cứ hỏi cán bộ, cứ nhìn cán bộ làm là sẽ tin thôi. Làm theo cán bộ sẽ hết đói nghèo.
Kiều Thiện