25 năm nữa sẽ biến mất
Trong ký ức của Ma Năng (tức Y Két Hra, 67 tuổi, ở buôn Đăng Phôk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) vẫn còn nguyên vẹn những cuộc rượt đuổi voi rừng với hàng trăm trai tráng, hàng chục con voi nhà tham gia, ròng rã nhiều ngày đêm.
Ma Năng là một trong 31 nghệ nhân voi hiện còn sống ở Buôn Đôn, ông từng bắt và thuần dưỡng 30 voi rừng, được phong dũng sĩ săn voi (gru). “Nhưng đã lâu lắm rồi mình không đi săn voi, cũng không thấy các lễ hội nào về con voi nữa nên rất buồn” - nghệ nhân Ma Năng thở dài.
Khai thác du lịch quá mức cũng là nguyên nhân làm suy kiệt voi nhà ở Đăk Lăk. |
Theo khảo sát của Đại học Tây Nguyên, đàn voi nhà của Đăk Lăk đã giảm từ 502 con vào năm 1985 xuống còn 115 con vào năm 1997, 84 con vào năm 2000. Đến năm 2010, voi nhà ở Đăk Lăk chỉ còn 60 con, phân bố tại các huyện Lăk, Buôn Đôn, Ea Súp. Với tỉ lệ sinh sản 0,6% trên tổng số voi cái, dự báo con voi nhà cuối cùng sẽ biến mất trong khoảng 20 - 25 năm tới.
Nhưng trên thực tế, tốc độ suy giảm đàn voi nhà diễn ra nhanh hơn. Khi ngà voi, da voi, lông đuôi voi trở thành những món đồ trang sức có giá thì voi nhà liên tiếp bị nhổ lông đuôi, chặt trộm đuôi, thậm chí bị giết trộm.
Tháng 7 - 2010, Công an huyện Lăk đã khởi tố 4 đối tượng trộm đuôi voi. Lần đầu bọn chúng chặt một đoạn đuôi 10cm của một con voi nhà, đem bán cho một tiệm vàng ở Buôn Ma Thuột lấy 20 triệu đồng.
Lần thứ hai, các đối tượng này lại nhổ trộm 200 sợi lông đuôi của một voi nhà khác, đem bán cho tiệm vàng được 6 triệu đồng. Mới đây, voi Păk Kú của Công ty TNHH du lịch Thanh Hà (Buôn Đôn) cũng đã chết vì bị “tượng tặc” chém hàng trăm nhát, chặt đuôi, đổ xăng đốt với mục đích cướp ngà.
Nỗi buồn nghệ nhân
Bảo tồn voi không chỉ là cứu một loài động vật nguy cấp, quý hiếm sắp bị tuyệt chủng mà còn là vấn đề bảo tồn một nét văn hóa rất độc đáo của các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên. Điều lạ lùng là trong khi đàn voi nhà ở Đăk Lăk vẫn còn thì “huyền thoại voi Tây Nguyên” đã... chết trước.
Theo PGS.TS Bảo Huy - Đại học Tây Nguyên - nguyên nhân chính là quá trình dịch chuyển sở hữu voi từ những nghệ nhân sang các công ty du lịch. Trong số 60 voi nhà hiện còn ở Đăk Lăk, chỉ có 35 con thuộc quyền sở hữu của các gia đình người dân tộc bản địa.
Còn trong 31 nghệ nhân - chủ voi, nài voi hoặc người có kinh nghiệm săn bắt, thuần dưỡng voi - thì chỉ có 2 người còn voi. Nuôi voi tốn kém, bảo vệ khó khăn, nghệ nhân đành bán voi rồi làm nài voi thuê cho doanh nghiệp với thu nhập tương đương... lao động phổ thông.
Dự án bảo tồn voi do UBND tỉnh Đăk Lăk vừa phê duyệt có tổng vốn đầu tư 61 tỷ đồng - hiện đang chờ kinh phí từ trung ương - không biết có kịp cứu vãn đàn voi nhà? Tuy nhiên, nếu không giúp người dân bản địa giữ lại voi thì việc bảo tồn voi dù có thành công cũng sẽ mất đi ý nghĩa về văn hóa.
Đồng Nguyên
Tối 16-1, ông Cao Văn Ba - Phó Giám đốc Công ty Đức Tâm cho biết: Từ ngày 14 đến nay, một đàn voi khoảng 6-7 con lại liên tục xuất hiện tại khu vực tiểu khu 222, xã Ia Tờ Mốt, huyện Ea Sup, Đăk Lăk. Đàn voi xuất hiện từ 9 giờ đêm đến khoảng 4 giờ sáng hôm sau. Chúng dạo quanh khu lán trại, sục sạo kiếm ăn và gầm rú. Được biết, từ tháng 9-2010 đến nay đàn voi này cũng đã 2 lần xuất hiện tại khu vực trên, phá phách làm sập lán trại, làm gaỹ đổ hơn 1 ha rừng.
Cao Thuyên