Dân Việt

Ly hôn và chuyện hộ khẩu

19/01/2011 12:10 GMT+7
Trong vô số vướng mắc “hậu ly hôn”, chuyện cái hộ khẩu cũng làm rối bao nhiêu cặp khi một trong hai người có “ý đồ”.

Cắt hay giữ?

Sau khi nhận quyết định ly hôn của Tòa án nhân dân Q.Bình Thạnh, TP.HCM, chị Mai cứ tưởng vậy là xong. Nhưng chị vừa bước chân ra khỏi tòa, bà mẹ chồng đã chì chiết: “Cô cắt ngay hộ khẩu ra khỏi nhà tôi, gái nhà quê mà đòi hộ khẩu thành phố”.

Năm năm trước, chị lên TP.HCM làm công nhân, quen rồi lấy anh Nam. Cuộc sống chị tưởng chừng sang trang mới vì anh là “trai Sài Gòn” - niềm mơ ước của nhiều cô gái trong khu chế xuất. Lấy chồng, hết phải thuê nhà trọ. Lấy chồng, chị được nhập hộ khẩu và làm chứng minh nhân dân thành phố.

Khi sinh con, chị không đi làm nữa, vợ chồng mất một khoản thu nhập. Mâu thuẫn phát sinh và càng trở nên gay gắt khi anh Nam lại mất việc, chỉ quanh quẩn ở nhà. Mẹ chồng bắt đầu nói ra nói vào, cho là chị “lừa con trai bà”.

Không chịu nổi sự đay nghiến của bà mẹ chồng và sự vô tâm của chồng, chị đâm đơn ly hôn. Chồng chị chẳng có ý kiến gì chuyện hộ khẩu, nhưng bà mẹ chồng thì chỉ muốn cô con dâu đi nhanh cho khuất mắt.

img
Không chịu nổi sự đay nghiến của bà mẹ chồng và sự vô tâm của chồng, chị đâm đơn ly hôn.

Một ngày sau khi có quyết định của tòa, bà gọi điện, giao ước: “Trong tuần này phải cắt ngay hộ khẩu, nếu không thì đừng hòng nhận tiền cấp dưỡng nuôi con”. Khi đó, chị còn chưa bình tâm để tin là mình đã ly hôn, còn chưa biết sẽ ở đâu trong tuần tới. Nhà trọ chỉ cho đăng ký tạm trú, ai cho chị nhập hộ khẩu mà cắt đi.

Chị năn nỉ mẹ chồng, dù sao con gái chị cũng đang cùng hộ khẩu với ông bà nội. Chị cần có hộ khẩu để xin việc và chuẩn bị cho con vào lớp một. Mẹ chồng vẫn khăng khăng dứt khoát, muốn cắt ngay tất cả mọi níu kéo con trai bà.

Chị Hương đã lên Công an Q.3 nhiều lần mà không thể cắt được hộ khẩu. Chị và anh Đông ly hôn hơn một năm, chị đã chuyển đến ở chỗ mới, muốn chuyển hộ khẩu theo cho tiện. Bao nhiêu lần chị năn nỉ, mềm mỏng có, làm dữ có, nhưng anh chồng cũ cứ dứt khoát không đến cơ quan công an.

Anh ta bảo, "Tôi cho ai nhập thì nhập, muốn cắt ai lúc nào thì cắt" (!?). Chỉ cần chủ hộ mang cuốn hộ khẩu gia đình lên là công an sẽ cho chị chuyển đi nhưng anh ta tìm mọi cớ không hợp tác, chỉ để gây khó dễ cho chị. Anh Đông nói, không có hộ khẩu chị sẽ chẳng lấy được ai, vì không có giấy chứng nhận độc thân thì ai cho đăng ký kết hôn. Là người gia trưởng, anh Đông vốn quen ra lệnh và hạch sách mọi người trong nhà. Chính vì tính đó mà hai vợ chồng phải đưa nhau ra tòa. Anh cứ muốn ràng buộc để chị phải năn nỉ, quỵ lụy anh.

Chị Thanh và anh Thái đang thuê nhà của Nhà nước. Ly hôn, chuyện cứ tưởng đơn giản vì tài sản không có gì, con thì mỗi người một đứa. Chỉ khi tình cờ chị được biết chị có hộ khẩu trong căn nhà thuê đó và khi hóa giá căn nhà vẫn phải có chữ ký của chị. Như vậy, chị cũng có phần trong đó. Thế là ly hôn xong, chị nhất quyết không cắt hộ khẩu, dù đã có một căn nhà do chị đứng tên.

Chị không muốn mình mất quyền lợi nếu “cố đấm ăn xôi”, mỗi lần cần hộ khẩu là “muối mặt” đến mượn chồng cũ. Vui thì anh đưa, ghét thì anh hẹn ngày mai, ngày mốt. Chị Thanh cố gắng chờ đợi, hy vọng Nhà nước cho phép mua hóa giá căn nhà. Mỗi lần đến mượn hộ khẩu, chị còn bị cô vợ mới của anh chì chiết: “Tiếc chồng thì nói một câu người ta trả cho, đừng kiếm cớ”.

“Hậu khổ”

img
Sau khi bản án ly hôn có hiệu lực, bạn có thể liên hệ với cơ quan công an quận huyện để làm thủ tục cắt chuyển hộ khẩu.

Mẹ chồng chị Mai sau khi cắt được hộ khẩu của mẹ con chị ra khỏi nhà mình, tưởng như đã trút được một gánh nợ. Nhưng mấy năm sau, con gái chị, cháu nội của ông bà không thể đi học trường công đúng tuyến, bà mới bắt đầu thấy ân hận. Nếu bà không đuổi thì chị Mai cũng tìm cách để chuyển hộ khẩu đi, nhưng bà lại hối hả đuổi và bây giờ, chính cháu nội bà phải chịu thiệt thòi. Quan trọng hơn, đứa bé cũng không còn mặn mà gì với ông bà nội và bố nó nữa.

Anh Đông cứ tưởng “hành” chị Hương cho hả giận, nhưng cuối cùng “gậy ông lại đập lưng ông”. Chị Hương quyết định đăng ký KT3 tại nhà mới và mọi sinh hoạt vẫn bình thường. Chỉ có anh là rối khi cô bồ mới nhìn vào sổ hộ khẩu, thấy anh vẫn còn có vợ. Dù anh đã thanh minh bằng quyết định ly hôn của tòa, nhưng cô bồ mới cứ “đỏng đảnh”: “Bà Hương quan hệ với chủ hộ là vợ, vậy tui là ai đây?”. Anh lại phải tìm chị Hương năn nỉ để chị chuyển hộ khẩu đi cho!

Chị Thanh cố chờ đợi cả chục năm để tranh mua hóa giá căn nhà nhưng khi được hóa giá, chị mới vỡ lẽ, chị đã đứng tên một căn nhà nên không được ưu tiên quyền mua căn nhà đó nữa. Hiểu luật không thấu đáo, chị đã tự làm khổ mình bao nhiêu năm.

Không có quy định nào của pháp luật ghi là: “Sau khi ly hôn đương sự phải cắt hộ khẩu”; chỉ có quy định: “Người đi vắng khỏi nơi đã đăng ký hộ khẩu thường trú quá sáu tháng mà không khai báo tạm vắng, không có lý do chính đáng sẽ bị xóa tên trong sổ hộ khẩu”. Vì vậy, cơ quan công an không thể tự cắt hộ khẩu khi một người chưa có nơi ở mới và khi không có yêu cầu.

Việc không cắt chuyển được hộ khẩu của người không còn đủ điều kiện cư trú trong ngôi nhà cũ làm phát sinh những bất ổn về đời sống kinh tế lẫn tinh thần sau khi ly hôn, gây nhiều khó khăn đôi khi cho cả hai bên, vì đã không còn muốn vướng mắc với nhau. Chỉ cần mỗi người hiểu biết pháp luật và rộng lòng một chút, chuyện hộ khẩu sau khi chia tay sẽ đơn giản hơn nhiều.

Sổ hộ khẩu gia đình là một tài liệu làm căn cứ để xác định việc đăng ký hộ khẩu thường trú của từng gia đình hoặc từng đơn vị lập sổ, và là một phương thức quản lý nhân khẩu và việc cư trú của người của cơ quan chính quyền. Hiện nay, hộ khẩu không liên quan đến quyền lợi về tài sản hay việc làm như trước.

Sau khi bản án ly hôn có hiệu lực, bạn có thể liên hệ với cơ quan công an quận huyện để làm thủ tục cắt chuyển hộ khẩu. Nếu bạn không phải là chủ hộ, bạn cần có sự đồng ý của chủ hộ khi thay đổi hộ khẩu thường trú. Trong trường hợp ly hôn xong bạn chưa có chỗ ở cố định mới, bạn cần đăng ký tạm trú tạm vắng theo đúng quy định.

Nhiều người đã lầm tưởng cái hộ khẩu là một “bửu bối” để “hành” người khác. Mà gây phiền hà, rắc rối cho người khác thì bản thân mình liệu có bình yên?

Theo PNO