“Dự báo năm 2011 này, chúng ta chỉ có thể sản xuất khoảng 1 triệu tấn cá nguyên liệu, tương đương từ 0,36- 0,38 triệu tấn cá phi lê và kim ngạch chỉ vào khoảng 1 tỷ USD"- ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dự báo.
Như vậy, so với con số hơn 645.000 tấn cá phi lê xuất khẩu trong năm 2010, sản lượng cá xuất khẩu trong năm nay sẽ giảm gần 0,3 triệu tấn.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại ĐBSCL. |
Theo ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt (thuộc VASEP), năm nay cá nguyên liệu sẽ rất khan hiếm, ít nhất là từ nay đến cuối tháng 9.
"Do giống để tái tạo vùng nuôi sau nhiều vụ liên tiếp thua lỗ là khá hiếm! Và từ 2 năm nay, các ngân hàng cũng ngoảnh mặt với người nuôi cá. Còn doanh nghiệp, như ở Công ty Hùng Vương của tôi, nguồn vốn nhận được từ ngân hàng dành cho khâu nuôi trồng cũng chẳng bao nhiêu"- ông nói.
Như vậy, nguồn giống và vốn tái sản xuất chính là 2 yếu tố chính, tạo áp lực khan hiếm cá nguyên liệu trong những tháng tới.
"Có nên đặt chỉ tiêu chủ yếu về số lượng hay hiệu quả là chính? Bởi tăng sản lượng phải tính đến thị trường. Năm 2010, giá xuất khẩu bình quân giảm thêm 3% so 2009 có nguyên nhân từ việc chúng ta không tác động vào cung-cầu, không kiểm soát sản lượng"- ông Dũng nói.
Cụ thể hơn, ông Minh cho rằng, chỉ tiêu sản lượng trong năm nay không nên đề ra quá cao mà phải chú trọng tăng... giá.
Chú trọng tăng giá bán hơn tăng sản lượng, theo ông Minh sẽ còn tạo nhiều cái lợi cho con cá tra xuất khẩu, giúp cả người nuôi cá và nhà chế biến. "Bởi giá bán càng cao, hàng rào kỹ thuật ở nhiều nước sẽ càng thấp. Nhiều nhà sản xuất cá hồi, cá nheo… cũng mong muốn cá tra Việt Nam tăng giá để họ giảm thiệt hại"- ông Minh nói thêm.
Nhưng để có giá bán tốt hơn, nhiều ý kiến cho rằng nên chú trọng kiểm soát sản lượng, nếu không đừng nói đến việc kiểm soát giá và chất lượng.
Hồ Hùng