Đến "kinh đô hàng lậu"
Cửu vạn bốc vác các thùng nước tăng lực tại cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh). |
Đặt chân đến thị trấn Tây Sơn (Hương Sơn, Hà Tĩnh), không ai không nghe được câu nói của người dân truyền tai cho du khách “đây là kinh đô hàng lậu của xứ Nghệ”. Áp Tết, hàng lậu đủ loại được tuồn về thị trấn Tây Sơn, chủ yếu xuất xứ từ Thái Lan. Sau đó, các con buôn lại vận chuyển hàng đi các địa phương để phân phối, đặc biệt sang TP. Vinh (Nghệ An) và TP. Hà Tĩnh.
Cùng đội cửu vạn, tôi đến một địa điểm mà họ gọi là "khách hàng thân thiết". Trên đường đi, tôi thắc mắc: "Tại sao hàng lậu về nhiều như thế mà dám công khai bốc vác, không sợ cơ quan chức năng bắt?". Hoàng –một cửu vạn thản nhiên trả lời:" Khi hàng đã về đến thị trấn này rồi thì có chủ hàng nào bị bắt nữa đâu. Coi như là hàng hợp pháp rồi! Mà các chủ hàng ở đây có tiền, quan hệ rộng lắm, giải quyết được hết".
Đám cửu vạn tiếp tục đi vác gạo nếp Thái Lan cho một chủ hàng nữa rồi về nghỉ ăn trưa để chiều tiếp tục làm việc. Theo họ, tại "kinh đô hàng lậu" có gần trăm chủ hàng, nên không thiếu việc làm, có những lúc làm cả ngày không hết, lại rất an toàn vì được chủ hàng "bảo kê".
Lòng vòng quanh "kinh đô hàng lậu”, ai cũng có thể thấy hầu hết người dân ở đây đều kinh doanh các loại mặt hàng được đưa từ Thái Lan về. Con buôn hay du khách không khó để tìm các loại sản phẩm ưa thích. Các biển hiệu quảng cáo đều có chữ: “Có các sản phẩm xuất xứ từ Thái Lan”, “Hàng Thái xịn”… Các loại mặt hàng đó đều không có hóa đơn, chứng từ, tem, nhãn mác…
Hàng lậu dễ qua trạm kiểm soát
Các loại hàng lậu sau khi được tập kết tại "kinh đô hàng lậu" lại được các lái buôn chuyển đi các vùng miền bằng nhiều phương tiện khác nhau. Xe tải và xe khách là hai phương tiện vận chuyển hữu hiệu nhất. Những trùm buôn lậu khét tiếng ở Hương Sơn có rất nhiều mánh khóe và quan hệ để qua mắt các lực lượng chức năng. Để tuồn hàng lậu về miền xuôi, chúng phải qua không ít trạm kiểm soát liên ngành, nhưng các chuyến hàng vẫn dễ dàng vượt qua.
Hùng- lái xe khách chuyên chở hàng lậu thuê sang Vinh cho các trùm buôn lậu cho hay: "Chạy xe khách tuyến Hương Sơn - Vinh hay Hà Tĩnh giờ chỉ chở khách thì không đủ chi phí. Xe thì nhiều, khách thì ít, nên các chủ hàng lậu thuê chở phải tranh thủ chở mới có thu nhập. Giờ xe khách nào mà chẳng chở hàng lậu, không thì có mà ăn cám".
Đi trên 10 chuyến xe khách từ thị trấn Tây Sơn đến Vinh, các hầm xe, dưới ghế ngồi đều chất đầy hàng lậu, nào là gạo, đường, Bò Húc… Mỗi chuyến hàng đưa được mối tiêu thụ, chủ xe khách được 400-500 nghìn đồng.
Điều bất ngờ nhất mà chúng tôi chứng kiến là sự thờ ơ của một số trạm kiểm soát. Trên chuyến xe 37H… chở gần trăm két Bò Húc, mấy chục bao tải gạo, nhưng khi qua Trạm kiểm soát liên ngành của Cổng B Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo (đối diện trụ sở UBND xã Sơn Tây, Hương Sơn), lái xe xuống làm "thủ tục" là được đi, không có cán bộ hải quan hay bộ đội biên phòng nào lên xe kiểm tra.
Trước sự ngỡ ngàng của tôi, bác tài nói "làm luật mất có 50 nghìn là xong ấy mà, có khi ít hàng xin không họ cũng cho đi". Theo cách nói chuyện của cánh lái xe hàng lậu khi đi Trạm kiểm soát Cổng B bị bắt rất ít. Xe khách nào cũng chở hàng lậu.
Chiếc xe khách 37H vừa rời trạm kiểm soát thì có một xe tải lớn đến phía sau. Bác tài ngoảnh lại chỉ cho tôi: “Xe tải kia kìa, trong chở đầy hàng đấy nhưng rồi cũng đi đấy mà”.
Để mục sở thị, tôi ngoái đầu nhìn lại, và cũng giống chiếc xe khách, trạm kiểm soát chỉ làm “thủ tục” vài phút lại cho xe đi. Trong 10 chuyến xe tôi đi, không có xe nào bị xử lý, dù đều có chở hàng lậu. Đó như là chuyện hết sức bình thường tại địa bàn này!
Thắng Quang