Dân Việt

Sự chủ quan hạ gục đàn trâu bò

19/01/2011 16:17 GMT+7
(Dân Việt) - Chung quy, cũng chỉ vì thói quen thả rông từ bao đời rất khó thay đổi của người nông dân. Có người, khi được vận động lùa trâu, bò về nhốt trong chuồng để tránh rét, còn cho rằng "trời thế này chưa lạnh đến mức phải mang trâu bò về.

Số trâu bò chết rét trong những ngày qua đã lên tới cả chục nghìn con, và chắc sẽ chưa dừng lại vì đợt rét này còn kéo dài. Thiệt hại này khiến chúng ta nhớ đến cách đây 2 năm, đợt rét đậm, rét hại mùa đông năm 2008 đã làm cho hơn 180.000 con gia súc bị chết rét, gây tổn thất lớn cho nông dân và ngành nông nghiệp nước nhà.

img

Trâu bò chết rét tại Cao Bằng.

Dù rằng, cái rét khắc nghiệt là nguyên nhân dẫn đến trâu bò chết, nhưng chủ quan vẫn là con người, những người chủ đã nuôi nhưng lại bỏ mặc chúng đói rét đâu đó trong rừng, trên nương rẫy và giữa căn chuồng trống hoác, giữa màn sương giá dày đặc.

Nhìn những con trâu nằm túm tụm dựa vào nhau để những con nghé nằm giữa lấy hơi ấm, hay cảnh người nông dân cõng con nghé xuống núi để cứu, vì mẹ nó bị chết rét và nhìn những phản thịt với những chiếc đầu trâu, nghé bày bán bên đường mà thấy xót xa. Cả cơ nghiệp 4 - 5 triệu đồng, thậm chí có nhà mất cả đàn chục con trâu, hỏi bao giờ đồng bào nghèo vùng cao mới lấy lại được.

Chung quy, cũng chỉ vì thói quen thả rông từ bao đời rất khó thay đổi của người nông dân. Có người, khi được vận động lùa trâu, bò về nhốt trong chuồng để tránh rét, còn cho rằng "trời thế này chưa lạnh đến mức phải mang trâu bò về. Mang về lấy lá, cỏ đâu cho chúng ăn"; nếu "cán bộ muốn nhốt trâu thì mang cỏ xuống cho nó ăn".

Trong khi người dân còn chủ quan và khốn khó, phía chính quyền địa phương và ngành chăn nuôi không thể nói là đã chủ động chống rét cho đàn gia súc. Như đợt rét đậm này xảy ra đâu có đột ngột và rét bằng năm đó, mà số trâu bò chết cũng ngày càng nhiều lên.

Vậy mà, khi các phóng viên gọi điện để lấy thông tin thì hầu hết chỉ nhận được câu trả lời từ phía cơ quan chức năng: "Không có trâu bò chết", chúng chết vì dịch bệnh, hoặc chưa có báo cáo, hay thẳng thừng từ chối, không nhận điện thoại... Có nơi còn trả lời: "Muốn biết thì tự đi tìm hiểu lấy". Phải chăng họ muốn che giấu thông tin, che giấu thành quả mà họ cho là đã làm rất tốt.