Dân Việt

Thắp lửa ước mơ tới trường

20/01/2011 06:52 GMT+7
(Dân Việt) - Tháng 5-2010, nghe tin chồng bị tai nạn, chị Nguyễn Thị Thúy Phượng (xã Vĩnh Công, Châu Thành, Long An) như ngã khụyu. Anh qua đời, căn nhà trống huơ trống hoác giờ lại càng trống thêm.

Mưa, nhà thành sông

Căn nhà lá vốn đã tạm bợ từ khi nó mới được xây, nhưng với sự chung sức của cả hai vợ chồng, những gian nan cũng được san sẻ phần nào. Hàng ngày, anh chạy xe ôm kiếm được vài chục nghìn, cộng với 20.000 – 30.000 đồng từ việc bóc điều của chị thì bữa ăn cũng được nhiều “màu” hơn.

Hết giờ làm ở xưởng, chị nhận thêm điều về nhà bóc. Cả nhà ngồi quây quần, mỗi tối cũng bóc được 2-3 kg, thêm được miếng rau xanh cho bữa ăn ngày mai.

img
Chị Nguyễn Thị Thúy Phượng (thứ nhất, trái qua) tại buổi lễ nhận vốn hỗ trợ của GreenFeed.

Nhưng rồi anh nằm xuống, mọi thứ oằn trên vai chị. Chị cơ hồ muốn đi theo anh vì khoảng tối của cuộc sống trước mắt. Vốn sức khỏe rất yếu, giờ mất đi chỗ dựa tinh thần, chị lại càng yếu thêm. Nhưng chị còn hai đứa con ngoan ngoãn và học giỏi.

Mỗi ngày của chị bắt đầu từ 5 giờ sáng, với việc bóc hạt điều ở một xưởng nhỏ cách nhà 2km. Mỗi kg hạt điều chị bóc được trả công 3.100 đồng. Cố gắng lắm thì mỗi ngày chị cũng chỉ bóc được chục kg. Với 31.000 đồng đó, chị chia ra cho từng phần, phần cơm nước, phần điện đèn, phần học phí của con…

Ngặt nỗi, bây giờ người ta không cho gia công tại nhà nữa, nên chị muốn nhận về nhà làm thêm vào buổi tối, để kiếm thêm vài nghìn cũng không được.

Căn nhà với nhiều khoảng trống trên vách được làm bằng lá dừa nước, hôm đám tang anh, hàng xóm, người quen thương tình dựng lại cho phần sau. Còn phần trước vẫn là nơi nước chảy ròng ròng mỗi khi mưa xuống.

Động lực của mẹ

Cơ cực không thể đếm được, nhưng lạ thay, hai đứa con chị lại học giỏi nhất xóm. Đứa lớn, Nguyễn Hoàng Linh, năm nay 17 tuổi, là học sinh duy nhất của Trường THCS Vĩnh Công (xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) đậu vào Trường THPT Chuyên của tỉnh. Trong cơn bĩ cực, chị từng nghĩ đến việc sẽ cho con nghỉ học, nhưng rồi thấy con ham học quá lại không nỡ.

img Chúng ta có thể tạm thời nghèo khó về tiền bạc, nhưng luôn rộng rãi, giàu có về lòng thương yêu, sự tự tin, quyết tâm, ý chí vươn lên và tinh thần hiếu học, để có thể đi đến thành công và thay đổi số phận. Mong rằng đây sẽ là những giọt nước mát góp thêm phần để những hạt giống trong mỗi gia đình được đâm chồi, nảy lộc và ra hoa, kết trái. img

Ông Trần Ngọc Chí - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam

Ngày biết mình nhận được vốn hỗ trợ của Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam, chị mừng rơi nước mắt. Số tiền này thực sự là cứu cánh cho hoàn cảnh ngặt nghèo của gia đình chị. Có được số vốn như thế này để nuôi bầy vịt đẻ, thật là vượt quá sức tưởng tượng của chị.

Trước mắt, chị dự định sẽ nuôi 500 con vịt rằn đẻ lấy trứng, bán lấy tiền cải thiện cuộc sống gia đình, chăm lo cho hai con nhỏ được tiếp tục học - điều mà chị vẫn chật vật xoay xở. Và may mắn là bên cạnh được trợ vốn, chị còn được Công ty GreenFeed hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi lẫn thức ăn cho gia súc, gia cầm. Chưa kể là nếu con chị giữ thành tích học tốt và sau hai năm việc chăn nuôi đạt hiệu quả, chị còn được thưởng 20% trong số vốn hỗ trợ đó.

Chị Phượng chỉ là một tấm gương điển hình, trong số 180 gia đình khó khăn nhưng có con hiếu học, được nhận tài trợ của Chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường”, do Công ty GreenFeed tài trợ từ năm 2010 – 2012, với tổng giá trị lên đến 2,1 tỷ đồng.

Từ chương trình này, 60 hộ nông dân tại 2 huyện Châu Thành và Tân Trụ (Long An) đã được nhận hỗ trợ vay vốn lên tới 700 triệu đồng. Không những thế, với những con em học giỏi, thi đậu các kỳ thi chuyển cấp, đại học còn được thưởng 1 - 3 triệu đồng .

Ông Trần Ngọc Chí - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam cho biết: “GreenFeed sẽ nhân rộng chương trình hỗ trợ vốn này đến các địa phương khác trong thời gian sắp tới, trước mắt là Bình Định và Hưng Yên trong năm 2011, nhằm thắp sáng lên tinh thần hiếu học của con em nông dân có hoàn cảnh khó khăn”.