Vinh bảo: “Mấy hôm trước rét quá, bố cháu cứ bắt mặc thêm cái áo khoác này của bố, vừa to, vừa nặng nhưng cũng ấm thật. Mặc áo ấy đi đường hay ngồi học cũng đỡ bị cóng tay, chảy nước mũi. Ở đây giá lạnh quen rồi mà vẫn có nhiều bạn bị ốm vì lạnh đấy chú ạ. Tối đến ngồi học bài trong nhà mà vẫn phải quấn chăn vào chân...”.
Tây Bắc là địa bàn có nhiều tiểu vùng khí hậu lạnh giá, nhất là Sa Pa, Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương (Lào Cai); Sìn Hồ, Tam Đường (Lai Châu); Pắc Ma (Bắc Kạn), Trạm Tấu (Yên Bái); Mộc Châu (Sơn La)... Những địa bàn này giá rét thường đến trước và đi sau, luôn có cường độ mạnh hơn những vùng khác. Nếu lạnh 7-100C mà nghỉ học thì học sinh nơi đây có lẽ nghỉ cả mùa đông.
Vì thế mà tôi nhớ mãi lời ông Lùng Lìn Thường, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Nàn Sán (Si Ma Cai, Lào Cai), bảo: Khi giá rét đến thì to như con trâu, con bò cũng chết. Con gấu, con hổ ngoài rừng phải chui vào hang ngủ; cái cây, ngọn cỏ cũng úa vàng đi nên nhìn con cháu mình đi học mà thương xót. Nhưng học là quan trọng lắm, phải cố theo cho kịp chúng bạn thôi. Ở đây, nếu thời tiết lạnh không kéo dài, không giá buốt nhiều thì trẻ con vẫn đi học.
Thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Giáo dục huyện Bát Xát, Lào Cai, cho biết: Sở GD-ĐT và Phòng đã có văn bản chỉ đạo, giao trách nhiệm chủ động cho các nhà trường để đối phó với tình hình thời tiết, bảo đảm sức khoẻ và chất lượng học tập cho học sinh.
Vùng cao có nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau, có thể trong cùng một huyện nhưng xã này lạnh giá, xã kia thời tiết ấm, bởi vậy việc giao quyền chủ động cho các trường là rất quan trọng. Dẫu vậy, các trường vẫn phải tranh thủ dạy học, chạy đua với giá rét mang chữ tới cho con em vùng cao...
Và cái cảnh chú bé Lùn Lìn Vinh mặc áo bông của bố đi học bỗng trở thành hình ảnh đẹp của sự hiếu học nơi tận cùng giá rét này.
Kiều Thiện