Dân Việt

Khu vực Bắc Tây Nguyên: Đón mưa giải hạn

07/03/2011 10:44 GMT+7
(Dân Việt) - Sau nhiều tháng nắng hạn, lúc 17 giờ ngày 6.3 trên địa bàn TP.Kon Tum xuất hiện một cơn mưa lớn, kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ. Cơn mưa đã gián tiếp làm lợi hàng tỷ đồng tiền tưới tiêu cà phê, giảm sức ép bơm tưới do giá xăng dầu tăng.

Trước đó, toàn vùng Tây Nguyên, trong đó có Kon Tum đang đau đầu với hạn hán, mực nước các con sông xuống thấp, các giếng nước khô cạn, mạch nước ngầm đang ngày tụt dần gây khó khăn cho nước sinh hoạt, nhất là nước tưới tiêu cho hoạt động nông nghiệp, trong đó "nóng" nhất vẫn là tưới cho cây cà phê sau khi thu hoạch xong; kèm theo đó là giá xăng dầu và giá điện tăng, làm đội chi phí tưới tiêu…

img
Nạo vét kênh mương chống hạn.

Tại Gia Lai, hạn hán đã xuất hiện và đe doạ đến hàng chục nghìn ha cây trồng tại các địa phương, đặc biệt là các huyện Krông Pa, Kông Chro, Chư Păh… Theo số liệu thống kê sơ bộ của Sở NNPTNT vào cuối ngày 3.3.2011, toàn tỉnh Gia Lai đã có 15.034ha cây trồng bị hạn nặng, mất trắng hơn 2.200ha và 12.800ha bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất.

Trước trận mưa chiều qua, diện tích bị hạn ngoài 5.000ha lúa còn có 1.629ha hồ tiêu và 8.440ha cà phê gây thiệt hại lớn cho nông dân. Các huyện hạn nặng là: Chư Pưh 3.100ha, mất trắng 351ha; Chư Păh 2.763ha, mất trắng 463ha. Chư Prông 2.381ha, mất trắng 335ha… Tổng thiệt hại ước tính hơn 220 tỷ đồng và con số thiệt hại dự tính tăng theo từng ngày.

Tại Kon Tum, đến đầu tháng 3.2011 tỉnh này có 1400ha lúa, rau màu bị khô hạn, trong đó mất trắng là 310ha. Báo cáo nhanh của Sở NNPTNT tỉnh Kon Tum: Hiện toàn tỉnh đang có gần 2.470ha đang thiếu nước nghiêm trọng nếu một vài tuần tới không mưa sẽ chịu chung số phận.

Hiện tại khi mùa khô Tây Nguyên đang bắt đầu cũng là lúc hàng vạn nông dân đang đối mặt với sự khốc liệt của thời tiết. Hạn cục bộ đã bắt đầu xuất hiện đe doạ hàng trăm ha ngô lai tại các huyện Kbang (Gia Lai), Cư Mngar (Đăk Lăk), Sa Thầy (Kon Tum), Đăk Min (Đăk Nông), Bảo Lộc (Lâm Đồng)…

Do mực nước tại các con sông lớn đang xuống thấp, mực nước ngầm đã cạn kiệt đáng báo động. Nếu mưa vẫn không tiếp tucục trong những ngày tới, mực nước các con sông sẽ chưa được cải thiện.

Ngoài yêu cầu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, những ngày gần đây nhiều họ dân tại các xã Dun, HBông (huyện Chư Sê, Gia Lai); huyện Cư Mngar (Đăk Lăk); xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy, Kon Tum)… đã phải đi gánh nước ở những con suối xa về phục vụ sinh hoạt, chắt chiu từng giọt nước tưới cho cây trồng để giúp chúng “cầm hơi” trước nắng nóng.