Các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. |
Tiến bộ về xây dựng văn kiện
Là Ủy viên Trung ương Đảng 3 khoá, tham dự 4 kỳ Đại hội Đảng, ông đánh giá thế nào về kết quả của Đại hội (ĐH) Đảng toàn quốc lần thứ XI?
- Qua theo dõi các kỳ ĐH, tôi thấy đây là ĐH lịch sử của Đảng ta. ĐH đã đặt ra các yêu cầu mới, cấp thiết và quan trọng của đất nước trong giai đoạn phát triển mới. Đại hội đã thảo luận sôi nổi, dân chủ và thông qua các văn kiện có nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của đất nước. Có tới hơn 1.400 ý kiến góp ý các dự thảo văn kiện, con số kỷ lục tại các kỳ ĐH.
Tại ĐH này tôi thấy có nhiều ý kiến trái chiều so với dự thảo đã được ghi nhận, sửa đổi. Chẳng hạn, trong dự thảo Cương lĩnh về đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội, nêu: "Có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu" đã được sửa thành "Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp".
Khi bỏ phiếu có tới 65,04% đại biểu đồng ý với phương án sửa đổi như trên, trong khi chỉ có chưa đến 35% phiếu ủng hộ phương án giữ nguyên như Dự thảo.
Về vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rằng: ĐH biểu quyết thế nào chúng ta phải nghiêm túc chấp hành. Đây là quyền của ĐH và là ý chí của toàn Đảng. Việc ĐH biểu quyết thay đổi khác với Dự thảo cần được ghi nhận là một tiến bộ, dân chủ trong ĐH lần này.
Tại ĐH, có ý kiến cho rằng cần xây dựng quy chế: Đảng viên cấp dưới có quyền giám sát đảng viên cấp trên; tổ chức Đảng cấp dưới có quyền giám sát tổ chức Đảng cấp trên. Điều này sẽ góp phần hạn chế sự mất dân chủ, độc đoán chuyên quyền trong Đảng. Thưa ông, như vậy vấn đề chỉnh đốn, xây dựng Đảng đã được ĐH nhìn nhận một cách toàn diện và quyết liệt hơn?
- Tôi rất tâm đắc chủ đề của ĐH là "Nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng..." và tuyên bố của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu trong Đảng; chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ cấp bách, cần phải thực hiện nghiêm túc. Cá nhân tôi cũng cho đây là nhiệm vụ quan trọng, then chốt của then chốt.
Vậy việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, chỉnh đốn Đảng phải làm thế nào? Theo tôi, chúng ta phải tổ chức, giáo dục cán bộ, đảng viên tham gia Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh một cách thực chất.
Phải xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh; gắn trách nhiệm của cấp uỷ với sự trưởng thành của cán bộ, đảng viên, phát động quần chúng giám sát đảng viên... Phát hiện và xử lý nghiêm đảng viên vi phạm.
Số dư thấp sẽ hạn chế lựa chọn cán bộ
Công tác nhân sự tại ĐH XI cũng được cho là có nhiều tiến bộ, thể hiện ở số dư bầu uỷ viên chính thức lớn. Ông có đồng ý với đánh giá này không?
- Công tác nhân sự của kỳ này, tôi thấy BCH T.Ư Đảng khoá X đã có sự chuẩn bị kỹ càng, cẩn thận, rà soát kỹ càng. Tại ĐH này, không khí dân chủ trong lựa chọn, bầu cử các Ủy viên T.Ư và các vị trí lãnh đạo cao cấp trong Đảng đã rõ nét hơn, chưa có ĐH nào lại có số dư lớn bầu Uỷ viên T.Ư chính thức cao như vậy:
Gần 25%, thậm chí bầu Uỷ viên dự khuyết còn cao hơn: 144%. Có nhiều ứng cử viên được Trung ương giới thiệu nhưng sự lựa chọn của ĐH đã có sự thay đổi và có nhiều người được ĐH đề cử lại trúng cử. Đây là sự tiến bộ của phát huy dân chủ.
Không chỉ có số dư lớn trong bầu Uỷ viên T.Ư, khi bầu Bộ Chính trị và Ban Bí thư, như thông báo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, số dư cũng rất lớn...?
- Tôi cho rằng đây là sự gương mẫu trong cơ quan cao nhất của Đảng, làm gương cho toàn Đảng. Trong bầu cử nếu không có số dư cần thiết, chúng ta sẽ bị hạn chế về sự lựa chọn cán bộ.
Thưa ông, khi phát biểu tại buổi họp báo ra mắt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, cần có chất vấn trong Đảng. Theo ông, chất vấn trong Đảng có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay?
- Thực ra việc chất vấn trong Đảng không phải là vấn đề mới. Bởi Đảng đã nói, tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng. Theo tôi, chất vấn trong Đảng là cần thiết nhằm khắc phục tình trạng áp đặt ý chí chủ quan, duy ý chí. Việc chất vấn, nói đi nói lại là nhằm tìm ra chân lý cuối cùng. Chúng ta phục tùng là phục tùng chân lý chứ không phải phục tùng ý chí cá nhân nào đó. Lần này, ĐH đặt vấn đề đảng viên cấp dưới chất vấn đảng viên cấp trên, trên chất vấn dưới; tổ chức Đảng cấp dưới giám sát tổ chức Đảng cấp trên là hoàn toàn phù hợp. Nếu thực hiện tốt điều này, chúng ta sẽ có bước tiến mới về dân chủ trong Đảng.
Thưa ông, việc chất vấn trong Đảng đã được quy định trong Điều lệ của Đảng. Vậy tại sao việc thực hiện lại chưa được như mong muốn và cần làm gì để chất vấn trở thành một hoạt động thường xuyên trong Đảng?
- Việc chưa thực hiện được chất vấn trong Đảng tôi nghĩ có nguyên nhân ở một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn còn thụ động, tư tưởng nể nang, không muốn va chạm. Vậy nên, nếu tổ chức chất vấn, theo tôi cần phải đưa vào điều lệ, coi đó là quy trình phải thực hiện trước khi ra một quyết định nào đó. Nếu thực hiện được chất vấn trong Đảng thì các quyết định trong Đảng sẽ toàn diện và chính xác hơn.
Xin cảm ơn ông!
Văn Hoài (thực hiện)