Dân Việt

Ngày cuối năm ở nhà dưỡng lão

21/01/2011 07:48 GMT+7
(Dân Việt) - Đếm những ngày cuối cùng của năm trong khoảng thời gian cuối cùng của đời người, chắc chẳng ai vui, nhất là những người ở trong các nhà dưỡng lão...

Đã đến nhiều nhà dưỡng lão, tôi thấy không có khu dưỡng lão nào hoàn hảo hơn Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người cao tuổi Thiên Phúc (xóm 3, Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội).

Cây xanh mát lành, phòng ốc sang trọng và sạch sẽ. Trong khi chờ đợi để gặp người có trách nhiệm của Trung tâm, tôi bất chợt được nghe câu chuyện của hai người bạn già (bởi tại đây kiếm đâu ra bạn trẻ).

Nằm lắng nghe tiếng đời

img
Ông Đỗ Liên với công trình cải tiến bản đồ Việt Nam.

Bà cụ có mái tóc đen mượt lạ lẫm với người già chỉ vào tôi rồi bảo bạn: “Ra không phải. Tôi cứ ngỡ đấy là anh con nhà bà cơ đấy”. Bà cụ kia có đôi tay run run của người bị bệnh parkinson cười móm mém: “Quay lưng lại tôi đã biết là không phải. Nếu là con tôi, chỉ nghe tiếng bước chân là tôi nhận ra ngay”.

Nói rồi, cụ kéo ngay tôi vào cuộc chuyện trò để tăng lượng thính giả (người già vốn hay thích chuyện)… Câu chuyện được chăng hay chớ, bởi ho, bởi nghẹn, bởi kề cà… nhưng nó là câu chuyện đáng nghe cho bất cứ ai có một người mẹ.

… Cụ có mỗi anh con trai. Tiếng bước chân của con trai cũng là cuốn nhật ký ghi đời của cụ. Bố nó mất sớm, bà chỉ có nó là niềm vui. Hồi bé, cậu con bé bỏng, bụ bẫm ấy chả đi bước một bao giờ, chỉ độc nhảy lon ton như con nghé con, cứ “bậm bạch – bậm bạch” mỗi lần theo mẹ đi chợ, làm bà thấy rộn ràng.

Rồi tiếng bước chân mỗi buổi trưa hè mà cậu con trai quý tử ấy rón rén trốn mẹ ra sông tắm, khiến bà thót tim. Đến lúc con đi học, khi nghe con bước “mốt hai mốt” mỗi khi được điểm 5 (thang điểm cao nhất hồi ấy), bà thấy lòng nở hoa. Bà vui biết bao khi một lần được tặng thưởng danh hiệu gì đó (bà cũng quên rồi) về thành tích vác đất đắp đê.

Phần thưởng kèm theo là chiếc lốp xe đạp. Những năm đó, “cái của nợ ấy” bà chả biết làm gì, chỉ biết khi cắt ra rồi khéo léo gắn chúng lại, con trai bà có đôi dép trẻ con cả xã phải mê. Lúc ấy bước chân cậu bé mới hãnh diện làm sao, mỗi lần đi học về đến đầu ngõ, mỗi bước đi lại dừng ba bước (ý là để khoe dép), tiếng bước chân ấy, bà nhận ra ngay. Bà bật cười khi nhớ lại tiếng bước chân nửa đêm mà con trai lẻn ra khỏi nhà hẹn hò với cô bé xóm dưới, bà mừng và lo vì biết con đã lớn.

Ngày biết tin mình đủ điểm đi học nước ngoài, bước chạy của con bà mới gấp gáp làm sao, để mang ra đồng khoe bà mảnh giấy con con ấy. Ngày rời nhà đi học, tiếng bước chân của con trai như mang đi của bà những gì quý báu nhất. Tiếng bước chân của con ngày lấy vợ, khiến bà nhận ra bên cạnh mình đã có một người đàn ông đích thực. Rồi bước chân chậm rãi, oai vệ khi con lần đầu thăng chức… Bao nhiêu bước chân ấy, bà nhớ hết.

Thế nên đến bây giờ, khi con đến là bà nhận ra ngay.

Kết thúc câu chuyện, và bảo: “Tôi tự nguyện xin lên đây đấy chứ! Dễ có ai được sướng như tôi. Mỗi tháng, con tôi mất gần chục triệu để tôi được ở đây đấy anh ạ”. Tôi xin phép cáo biệt sau khi bà cụ cùng làm thính giả với tôi phàn nàn: “Bà khéo hay chuyện. Có mỗi chuyện bước chân, bước cẳng của con trai mà bà bắt anh ấy ngồi nghe nãy đến giờ”.

“Một bông hồng  cho những ai…”

img
Chăm sóc các cụ tại trung tâm dưỡng lão.

Mỗi tháng gần chục triệu thật. Trung tâm này có 110 cụ sống ở 8 mức giá khác nhau: Từ 5,5 - 10,5 triệu. Chị Nguyễn Thị Thu - Y tá trưởng ở đây cho biết: Mức giá này là giá phòng, còn chế độ chăm sóc thì như nhau cả. Tiền càng nhiều thì càng được ở phòng ít người. Tại đây, người lớn tuổi nhất là 98, người ít tuổi nhất là 60. Đủ cả mọi vùng miền, thậm chí có cả người nước ngoài (một ông lão người Nhật Bản)…

Tại trung tâm này có ông mang hàm vụ trưởng trước khi về hưu, bị tai biến liệt nửa người. Có 4 con, đủ cả trai, gái, đều ở Hà Nội, họ đã phấn đấu rất nhiều để có kinh tế khá giả đủ để đáp ứng chi phí cho ông tại đây… Nhưng không biết Tết này, họ có đón ông về ăn Tết?

Các cụ vào đây mà tán gẫu thì đủ cả chuyện năm châu bốn biển. Chế độ chăm sóc và lịch tập luyện của các cụ dầy kín cả hai trang giấy A4. Trung tâm có một đội ngũ điều dưỡng viên tới 40 người (đa phần là nữ) ai cũng xinh như hoa. Nói thật, về chuyện này thì ngay cả tôi dù mới có vốc tuổi nhưng nếu có đủ điều kiện (tức là đủ tiền để nộp) cũng sẵn lòng xin vào đây để ở.

Khi xuống gặp các cụ, chị Thu cứ khúc khích dặn tôi rằng: “Khi nào hỏi tuổi các cụ thì phải xác minh lại ở chỗ em. Các cụ hay thích mình cao tuổi hơn tuổi thực. Có cụ còn bảo mình đã 130 tuổi”.

Chả dại đôi co với các cụ, tôi xin gặp người được coi là thông tuệ nhất trung tâm. Ông Đỗ Liên, năm nay đã hơn 80 tuổi, đang chăm chú theo dõi Đại hội Đảng qua tivi. Trên bàn của ông vẫn ngổn ngang giấy tờ, ông bảo: “Tôi vẫn còn đang làm việc. Hiện tại, tôi đang cải tiến lại bản đồ Việt Nam theo hướng hiện đại hơn”. Quả vậy, làm việc tại Tổng cục II Bộ Quốc phòng, về hưu với hàm đại úy, công việc bản đồ gắn với ông từ hồi còn công tác.

Ông vào đây đã 11 tháng, ông cho biết: “Tôi ở nhà, con tôi không yên tâm vì các anh chị ấy làm kinh doanh bận suốt ngày. Tôi ở nhà một mình, nhỡ có việc gì thì không ai biết mà chăm sóc, chữa trị. Tôi vào đây để các con tôi yên tâm công tác”. Thẳng thắn hỏi về quan điểm nhạy cảm khi đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão, ông Liên bảo: “Quan điểm về việc này ở mỗi người mỗi khác. Riêng tôi thấy con tôi rất quan tâm đến tôi nên mới cho tôi vào ở đây. Mỗi tháng nộp gần 10 triệu không phải là số tiền nhỏ, tôi thích về lúc nào là con tôi lên đón. Nó vừa gọi điện báo 28 tháng Chạp sẽ lên đón tôi, mùng 2 Tết lại đưa tôi vào”.

Có lẽ ở Trung tâm này thích thật nên chị Thu cho biết, mọi năm, thường chỉ có khoảng 1/3 số các cụ là về nhà ăn Tết. Tết đến, xuân về dẫu chẳng quây quần với con cháu nhưng ở trung tâm vẫn còn khối bạn để vui.

Nói đến chuyện Tết, tôi buộc phải trở thành nhà văn tả cảnh. Khi các cụ ở đây biết tôi lên có qua lối chợ hoa Nhật Tân, thay vì hỏi các cụ để lấy tư liệu viết bài, tôi phải trả lời vô vàn câu hỏi: “Chợ Nhật Tân có hoa đào chưa?”, “năm nay quất đẹp hay đào đẹp?”, rồi cả câu hỏi hóc búa: “Bà cụ Dinh có còn bán đào đĩa chỗ đầu đường Nghi Tàm nữa không?”... Rốt cuộc, tôi chả có cho mình tý thông tin nào, ngoại trừ một điều: Các cụ vẫn còn háo hức với hơi xuân lắm.

Tôi không tin lắm vào chuyện Nhân - Quả. Bởi nếu thuyết Nhân - Quả là môn khoa học chính xác, thì nhân loại đã không nhọc công phát minh ra từ “bất công”. Nhưng tôi tin chắc một điều: Khi ai đó đưa cha mẹ vào các trung tâm dưỡng lão thì họ đã có chỗ cho mình tại đây vào những năm tháng cuối đời.

Chào các cụ, tôi phải về. Ở nhà có mẹ già đang chờ bước chân tôi!