Phóng viên NTNN đã có cuộc phỏng vấn ông Hoa Hữu Vân – Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch).
Xuất hiện ngày càng nhiều những vụ đánh ghen man rợ, không chỉ giẫm đạp nhân phẩm mà còn tước đi cả mạng sống của người khác. Theo ông, nguyên do từ đâu?
Bị cáo Nguyễn Quang Vinh (SN 1967, Bình Thuận) phạm tội giết người vì ghen tuông. NLĐ |
- Những vụ đánh ghen man rợ gần đây chứng minh một điều: Văn hóa ứng xử và đạo đức xã hội đang ngày càng xuống cấp. Đó là một bức tranh ảm đạm trong đời sống xã hội. Con người ngày càng trở nên vội vã, nóng nảy, hành động bạo liệt hơn để tranh giành bảo vệ quyền lợi của mình, thậm chí có tư tưởng trả thù kiểu “không ăn được thì đạp đổ”.
Thật đáng tiếc khi có không ít tội ác nhân danh tình yêu. Kẻ gây án bao biện rằng vì mình yêu quá, vì mình bị tổn thương. Nhưng một tình yêu thực lòng phải biết hy sinh, không thể nỡ làm tổn thương người mình yêu.
Có ý kiến cho rằng do người dân thiếu hiểu biết pháp luật, tuổi trẻ bồng bột nên hành động nông cạn. Theo ông, liệu điều này có chuẩn xác?
- Chúng ta đang ở thời đại bùng nổ thông tin, người dân có thể tiếp nhận nhiều kênh thông tin khác nhau, vì thế không thể nói người dân hoàn toàn mù tịt về văn hóa, pháp luật. Rất nhiều vụ đánh ghen xảy ra ở các thành phố lớn, đối tượng gây án có trình độ đại học.
Vì thế, không thể nói họ chưa đủ lớn, chưa đủ văn hóa, thiếu thông minh để hiểu về hậu quả khi trả thù người khác. Đây là hậu quả tất yếu của một xã hội sống nhanh, sống gấp và cách hành xử giữa con người với con người đang trở nên gay gắt, quyết liệt. Họ cảm thấy không giành giật, không đạp đổ, không rửa hận thì họ không cam lòng. Cho nên họ đã xuống tay bất chấp hậu quả.
Ông nhận định thế nào về trách nhiệm gia đình trong việc xuống cấp nhân cách, tùy tiện trong hành xử của không ít người?
- Theo tôi, hàng chục năm gần đây, giáo dục trong gia đình đang có những sai lầm nghiêm trọng. Mọi người phó mặc việc giáo dục cho nhà trường từ khi con 1-2 tuổi mà quên mất hoặc lờ đi sự giáo dục trong gia đình.
Tôi rất phản đối tư tưởng: “Cho con đi nhà trẻ cho có nền nếp” của nhiều cha mẹ. Điều đó chứng tỏ, ở gia đình đã không có sự giáo dục, đã không thể dạy dỗ con trẻ thành người tốt. Với tư tưởng như vậy, bố mẹ buông trách nhiệm giáo dục với con từ tấm bé, đứa trẻ ngoan hay không ngoan, nên người hay không là tùy thuộc “nhà trường”.
Vậy cần bồi đắp điều gì trong sự khuyết thiếu giáo dục gia đình?
- Ngày xưa, bố mẹ luôn thực hiện trách nhiệm lớn trong việc giáo dục nền nếp cho con cái từ cách ăn nói, thưa gửi, đối đãi, về nhân cách, về tình thương, lòng tự trọng… Muốn giáo dục con nên người, không có cách nào khác bố mẹ phải ngồi lại với con, uốn nắn chúng ngay từ nhỏ. Như vậy mới có thể giúp con định hình nhân cách và xây dựng, bồi dưỡng những đức tính để sau này biết cách cư xử, kiềm chế và giải quyết các xung đột một cách ôn hòa, có tình hơn.
để giải quyết vấn đề ngoại tình, ngoài pháp luật còn có giải pháp khác thông qua sinh hoạt cộng đồng như tổ dân phố, cơ quan, đoàn thể. Nhờ áp lực cộng đồng có thể vấn đề được giải quyết. Tuy nhiên theo tâm lý chung chẳng ai lại muốn mang chuyện cho là tế nhị của gia đình ra cộng đồng cả. Họ muốn tự mình giải quyết, nhưng thường bất lực, bức xúc bị dồn nén dẫn tới tiêu cực mà phạm tội là rất mong manh.
Chuyên gia tâm lý - Trịnh Trung Hòa: Sự bế tắc về giá trị sống
Một bộ phận giới trẻ đang nhận thức lệch lạc về giá trị sống. Họ cho rằng phải tìm mọi cách để giành giật quyền lợi của mình, dùng mọi thủ đoạn, bất chấp việc làm tổn thương người khác. “Chiến lược” đó được áp dụng trong nhiều lĩnh vực như học hành, việc làm, thăng tiến, kinh tế và cả tình yêu. Không ít người vì đất, vì tiền thừa kế mà đang tâm chém chết cả người thân trong gia đình.
Đó không chỉ là sự xuống cấp về đạo đức mà còn là sự bế tắc trong suy nghĩ và kỹ năng sống của bạn trẻ. Bạn trẻ có thể có đầy đủ về vật chất nhưng lại đang ngày càng bị cô độc về tinh thần, bế tắc về các giá trị sống. Hơn nữa, bạn trẻ cũng chỉ được giáo dục kỹ năng “cứng” để tìm việc, kiếm tiền, chứ chưa được học các kỹ năng mềm để xử lý, giải quyết các xung đột, trong đó có thất tình. Vì thế, họ giải quyết các vấn đề tình cảm bằng lối hành xử thô bạo, một cách bất lực.
Tuấn kiệt - Lương kết (ghi)
Diệu Linh (thực hiện)